Trước đó, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã đề xuất làm 5 tuyến đường theo hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98 gồm quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu; quốc lộ 1 đoạn từ An Lạc đến giáp tỉnh Long An.
Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 TP HCM; trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư của 5 dự án nói trên khoảng 37.000 tỷ đồng.
Ngày 18/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre.
Theo điều chỉnh, tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2026. Tổng mức đầu tư dự án là 6.810 tỷ đồng.
Như vậy, tổng chiều dài tuyến đã tăng so với con số 17,5 km như phê duyệt cũ, tổng mức đầu tư cũng được tăng thêm 1.635 tỷ đồng so với tổng vốn tại phê duyệt cũ là 5.175 tỷ đồng.
Theo TTXVN, ngày 17/9, Sở Giao thông Vận tải TP HCM cùng Công ty Nguyên Phương (nhà đầu tư) đã tổ chức thông xe công trình đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến Đỗ Xuân Hợp (phường An Phú, TP Thủ Đức) dài hơn 3 km.
Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT, có chiều dài khoảng 4 km, gồm hai đoạn đường rộng 20 m, 4 làn xe, nằm bên phải tuyến cao tốc theo hướng di chuyển đi Long Thành - Dầu Giây.
Trong đó, đoạn từ đường Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp dài hơn 3,2 km được tổ chức thông xe, đưa vào khai thác từ ngày 17/9. Đoạn còn lại dài gần 700m, nối từ đường Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2 hiện chưa hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vừa qua đã có Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay, Cảng hàng không Đồng Hới.
Theo đó, dự án trên được giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư với mục tiêu xây dựng nhà ga hành khách T2 để nâng công suất khai thác cảng hàng không Đồng Hới đạt 3 triệu hành khách/năm.
Bên cạnh đó, dự án còn mở rộng sân đỗ máy bay về cả phía đông và phía tây sân đỗ máy bay hiện hữu trên diện tích sử dụng đất dự kiến là 15 ha. Tổng mức vốn đầu tư của dự án là 1.844 tỷ đồng.
Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa qua đã phê duyệt Kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 5.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư. Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026 - 2030.
Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sẽ theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1435 mm, điện khí hóa với chiều dài 38,4 km (6,5 km đi ngầm; 2 km đi trên cao và 30 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.