Trở lại với câu chuyện tuyển dụng bác sĩ ở Đà Nẵng. Thành phố này đưa ra mức ưu đãi dành cho tiến sĩ y khoa là 200 lần mức lương cơ sở (khoảng 300 triệu đồng). Đây là mức ưu đãi cao nhất, còn mức thấp nhất dành cho bác sĩ đa khoa học lực trung bình khá là 50 lần (khoảng 75 triệu đồng).
Kèm theo mức hỗ trợ một lần nói trên, Sở Y tế Đà Nẵng cam kết bố trí, sử dụng đúng chuyên ngành với người ứng tuyển đồng thời tạo môi trường làm việc thuận lợi để phát huy năng lực. Bên cạnh đó, người được tuyển dụng cũng sẽ được xem xét quy hoạch, bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Có lẽ đấy mới là điều các ứng viên mong muốn chứ không phải các mức ưu đãi một lần từ 75 triệu - 300 triệu đồng nói trên. Vì với mức ưu đãi như thế, một bác sĩ có uy tín, tay nghề cao, họ chỉ “khám bệnh kê đơn” vài tháng là cũng có số tiền đó rồi. Điều họ cần và mong muốn là nhà tuyển dụng phải sử dụng “đúng chỗ” để họ phát huy hết khả năng của mình chứ không phải họ ham vài trăm triệu đồng hỗ trợ như thành phố cam kết.
Bằng chứng là, một số bác sĩ sau khi về công tác ở các tỉnh theo dạng thu hút nhân tài đã phải trả lại số tiền địa phương hỗ trợ để dứt áo vào TPHCM - nơi chưa hề đưa ra bất cứ một mức hỗ trợ nào cho bác sĩ theo dạng “thu hút người tài” như các địa phương.
Người xưa từng dạy: “Dụng nhân như dụng mộc”. “Dụng” làm sao đó để người tài không cảm thấy mình thừa. Đó là một “nghệ thuật” của nhà quản lý chứ không phải đưa tiền nhiều mới “chiêu dụ” được nhân tài.