Thứ trưởng đồng thời đề nghị hai học viện và Chính phủ Liên bang Nga tiếp tục trao học bổng và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam học tập tại Liên bang Nga. Hai học viện sẽ đẩy mạnh phối hợp với các trường đại học Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu khoa học; từ đó, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Việt Nam – Liên bang Nga.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đại diện các trường đại học Nga cũng trao đổi một số nội dung hai bên cùng quan tâm như chương trình đào tạo phổ thông, đại học, học bổng dành cho sinh viên.
Trong chuyến làm việc lần này, đại diện VAVT và RANEPA đã gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các trường Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia Hà Nội... và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Ngoại thương.
Học viện Ngoại thương toàn Nga (VAVT) được thành lập với mục đích đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh tế quốc tế, luật tài chính, quản lý kinh tế... Với khoảng 6.000 – 7.000 sinh viên theo học hàng năm, VAVT đã lọt vào danh sách những trường tốt nhất tại Nga. Hiện, 2 sinh viên đại học, 1 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh Việt Nam học tập tại đây.
Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA), là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất tại Nga và dẫn đầu đào tạo kinh tế - xã hội. Hàng năm, RANEPA tiếp nhận hơn 300.000 học viên theo các chương trình khác nhau. Hiện, 2 sinh viên đại học và 1 thạc sĩ Việt Nam đang theo học tại trường.
Hàng năm, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) đã phối hợp với Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội thực hiện công tác tuyển chọn lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại Liên bang Nga theo diện Hiệp định. Hiện nay, 2.647 lưu học sinh Việt Nam đang theo học diện Hiệp định tại hơn 180 cơ sở đào tạo tại Liên bang Nga.