Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng đạt 8,3-8,5% có nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi, không thể không làm.
Kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, được tổ chức trực tuyến toàn quốc từ Chính phủ tới các tỉnh, thành phố, xã, phường vào sáng 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng đạt 8,3-8,5% có nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi, không thể không làm.
Hội nghị đánh giá trong 6 tháng năm 2025, kinh tế nước ta tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 7,52% so với cùng kỳ, cao nhất trong cùng kỳ gần 20 năm qua; xuất khẩu tăng 14,4%.
Thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3%; vốn FDI đăng ký trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6%. Số doanh nghiệp đăng ký gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 152,7 nghìn, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03%...
Nhiều tổ chức quốc tế đồng loạt nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Các động lực tăng trưởng truyền thống tuy đã phát huy hiệu quả nhưng chưa đạt kỳ vọng.
Áp lực giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm rất lớn; sức mua trong nước phục hồi chậm; xuất khẩu chịu ảnh hưởng bất lợi từ chính sách thuế quan của Mỹ; kinh tế vĩ mô chịu nhiều sức ép lớn từ bên ngoài.
Bên cạnh khó khăn, thách thức, các đại biểu cho rằng có những thời cơ, thuận lợi như: Quy định mới, đột phá có hiệu lực, "cởi trói, khơi thông nguồn lực" cho phát triển. Các động lực mới như "bộ tứ trụ cột" đã dần hình thành, phát huy hiệu quả; đột phá về hạ tầng đạt kết quả rõ nét, đang phát huy tác động, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng. Chính quyền địa phương 2 cấp chính thức hoạt động là cơ sở để các địa phương tập trung khai thác không gian phát triển mới. Mùa tiêu dùng, du lịch quốc tế và trong nước trong nửa cuối năm tạo cơ hội để thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng và xuất khẩu.
Hội nghị đề xuất 2 kịch bản tăng trưởng là cả năm 2025 đạt 8% trở lên, theo đó quý 3 và quý 4 phải đạt mức tăng trưởng lần lượt là 8,3% và 8,5%.
Với kịch bản tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5% thì mức tăng trưởng quý III và quý IV phải đạt lần lượt là 8,9-9,2% và 9,1-9,5%.
Các bộ, ngành cũng đề xuất chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương cụ thể để đảm bảo mục tiêu chung của cả nước, phấn đấu thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng, các đại biểu phân tích, đề xuất cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nêu những vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ, khơi thông cho phát triển; xác định các trụ cột tăng trưởng, động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng khẳng định mục tiêu phấn đấu cả năm 2025 là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%; tăng trưởng đạt 8,3-8,5%; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tổng đầu tư toàn xã hội 2,8 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư công 1 triệu tỷ đồng; kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...
“Đây là mục tiêu rất khó và nhiều thách thức, nhưng không phải là mục tiêu bất khả thi và không thể không làm để tạo đà tạo, tạo lực, tạo thế cho tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện nhiệm vụ khó khăn trên, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ kết quả.
Cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% và huy động các nguồn vốn hợp khác để nâng tổng đầu tư toàn xã hội phấn đấu đạt gần 3 triệu tỷ đồng; mở rộng nguồn thu, tiết kiệm chi, phát hành các trái phiếu phục vụ cho phát triển.
“Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá phải kết hợp, nương tựa vào nhau, bổ sung, thúc đẩy cho nhau, đảm bảo hài hoà, hợp lý, hiệu quả,” Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thúc đẩy thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm đầu tư, thể chế và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó có thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu về xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường ven biển và các dự án động lực quan trọng khác; xây dựng thể chế, pháp luật, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn do thể chế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhất là triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội về “bộ tứ trụ cột”; đồng thời xây dựng trình Bộ Chính trị nghị quyết về y tế, giáo dục, văn hóa… phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước nhanh và bền vững, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thật tốt Triển lãm “80 năm hành trình Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”; tập trung triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm trong nước, đồng thời mở rộng thị trường, thúc đẩy mạnh xuất khẩu.
Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 10% góp phần vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng của cả nước, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, với tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại vào Trung ương và theo phân cấp, phân quyền, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8,3-8,5%.
Thủ tướng yêu cầu việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội phải gắn với đảm bảo ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và tăng cường đối ngoại, lưu ý phải đảm bảo thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, trong đó hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước và hoàn thành mục tiêu xây dựng ít nhất 100.000 căn nhà ở xã hội.
Các cơ quan truyền thông, tăng cường thông tin, truyền thông chính sách, huy động toàn xã hội tham gia vào quá trình phát triển, trên tinh thần “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” vì “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân."
Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải thiết lập cơ chế giám sát, kiểm tra, tổng kết, đánh giá định kỳ việc thực hiện các nhiệm vụ để rà soát, điều chỉnh, thúc đẩy kịp thời, phù hợp; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, gần dân, sát dân, tất cả vì nhân dân phục vụ, giải quyết ngay những vấn đề của nhân dân tại cơ sở, đặc biệt xem xét giải quyết dứt điểm khoảng 20 vấn đề còn vướng mắc, khiếu kiện ở cơ sở trong tháng 7/2025; xây dựng Nghị quyết của Chính phủ giải quyết các vấn đề còn vướng mắc liên quan quy hoạch, vốn ODA, giao mỏ vật liệu thông thường.
Thủ tướng yêu cầu tập trung tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp theo kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương; đồng thời phải đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ đạo bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng chương trình hành động, kịch bản tăng trưởng của từng bộ, ngành, cơ quan, địa phương mang tính chiến đấu cao, sát tình hình, cụ thể, hệ thống, đồng bộ, có tính khả thi, cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ về kịch bản tăng trưởng sẽ được ban hành ngay sau đây để đảm bảo đạt mục tiêu đề ra./.