Theo FPT cho biết, kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý IV/2023 chủ yếu do tăng trưởng của khối công nghệ. Cụ thể, trong quý 4, khối công nghệ đạt doanh thu 8.932 tỷ đồng, tăng trưởng 13,9%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.033 tỷ đồng, tăng trưởng 33,1% so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm tỷ trọng 61% doanh thu và 42% lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn. Trong đó, dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đem về doanh thu 6.662 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 904 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 22,5% và 18%, thúc đẩy bởi đà tăng đến từ thị trường Nhật Bản và Châu Á – Thái Bình Dương.
Lũy kế cả năm 2023, khối công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt khi đạt doanh thu 31.449 tỷ đồng, tăng trưởng 22,1% và lợi nhuận trước thuế đạt 4.161 tỷ đồng, tăng trưởng 23,6% so với năm 2022; chiếm tỷ trọng 60% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn. Trong đó, dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đem về doanh thu chính thức vượt mốc 1 tỷ USD (đạt 24.288 tỷ đồng) và lợi nhuận trước thuế 3.782 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 28,4% và 27,1% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, mảng viễn thông đạt gần 15.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 8,8% so với cùng kỳ; mảng đầu tư, giáo dục mang về 6.159 tỷ đồng doanh thu, đạt mức tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Còn lại các mảng kinh doanh về giải pháp phần mềm, nội dung số... đều giảm sút.
“Của để dành” hơn 24.400 tỷ đồng
Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, quy mô tài sản tính tới hết năm 2023 của FPT đạt 60.325 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của FPT là khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với giá trị 24.403 tỷ đồng. Với lượng tiền gửi dồi dào, năm 2023, FPT đã thu về 1.648 tỷ đồng lãi tiền gửi, cao hơn 22% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 9.044 tỷ đồng; hàng tồn kho 1.724 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.315 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết và góp vốn vào đơn vị khác ghi nhận đạt hơn 4.970 tỷ đồng…
Về phía nguồn vốn, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của FPT ghi nhận ở mức 30.376 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, phần lớn là nợ ngắn hạn với 29.667 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của FPT ở mức 14.046 tỷ đồng, chiếm 23% tổng nguồn vốn, chủ yếu là vay ngắn hạn với gần 13.838 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 29.948 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 8.679 tỷ đồng...