“Chúng tôi tin tưởng kết quả Hội thảo sẽ là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với nỗ lực chung của UNESCO trong thúc đẩy chuyển hướng giáo dục, trong bảo đảm nền giáo dục công bằng, chất lượng, không để ai bị bỏ lại phía sau và đóng góp vào tương lai phát triển hòa bình, bền vững”, bà Lê Thị Hồng Vân nhận định.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. |
Theo Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker, mặc dù có những thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và hòa nhập; cũng như cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, không bỏ ai lại phía sau. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Công bằng và hòa nhập là những trụ cột quan trọng trong các hoạt động hướng tới Hội nghị thượng đỉnh về Chuyển đổi giáo dục, được Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, triệu tập vào tháng 9/2022.
“Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã thể hiện thiện chí chính trị trong chuyển biến giáo dục thông qua quá trình tham vấn để đưa ra tuyên bố cam kết quốc gia. Những cam kết được đưa ra vào năm 2022 chính là tiền đề cho công tác lập kế hoạch chiến lược tiếp theo, bao gồm cả các cuộc thảo luận của chúng ta ngày hôm nay”, ông Jonathan Baker cho hay.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: Ở cấp độ toàn cầu, UNESCO có sứ mệnh chủ trì và điều phối các hoạt động và chương trình xoay quanh Mục tiêu phát triển bền vững 4 và Chương trình nghị sự Giáo dục 2030.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Đối tác Toàn cầu về Giáo dục (GPE), UNESCO Việt Nam đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia của Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế (IIEP) của UNESCO cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp xây dựng Chiến lược Phát triển Giáo dục 2021 -2030 và tầm nhìn 2045 của Việt Nam. Chiến lược này đặt công bằng, hòa nhập là các trụ cột xuyên suốt ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo, cả trong giáo dục chính quy lẫn không chính quy.
“Mọi hệ thống giáo dục cần phải phấn đấu vì sự công bằng, hòa nhập và chất lượng”. Nhấn mạnh điều này, ông Jonathan Baker cho rằng, thúc đẩy sự công bằng và hòa nhập trong giáo dục đòi hỏi phải loại bỏ tất cả các hình thức loại trừ, sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận, tham gia cũng như trong kết quả học tập. Điều này đòi hỏi phải có những thay đổi cần thiết, táo bạo trong chính sách giáo dục và tập trung nỗ lực vào những đối tượng thiệt thòi nhất để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong số các nhóm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những em khuyết tật về thể chất và tinh thần là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hơn nữa, ở những quốc gia có thành phần dân tộc đa dạng như Việt Nam, việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận và tham gia giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số là điều tối quan trọng. Điều này không chỉ liên quan đến khả năng tiếp cận vật lý mà còn liên quan đến các khía cạnh về tâm lý - xã hội lẫn kết quả học tập nói chung.
Ngoài ra, còn nhiều khía cạnh khác gắn với sự công bằng cần phải xét đến, chẳng hạn sự chênh lệch giàu nghèo và khu vực thành thị - nông thôn. Thông thường những khía cạnh này lại đan xen và liên hệ qua lại với nhau.
Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Jonathan Baker phát biểu tại Hội thảo. |
Liên quan đến khía cạnh bình đẳng giới, theo ông Jonathan Baker, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục bình đẳng cho cả trẻ em trai, trẻ em gái, giữa nam và nữ, nhưng vẫn còn cần phải giải quyết các nguyên nhân sâu xa của bất bình đẳng và các thành kiến giới.
Để làm được điều này, chúng ta cần chuyển từ nhận thức/nhạy cảm giới sang đáp ứng giới và đảm bảo bình đẳng giới thực chất. Các hoạt động phối hợp giữa UNESCO và Bộ GD&ĐT cũng như các địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số ở nông thôn cho thấy cần phải nỗ lực hơn rất nhiều để đảm bảo các em không gặp phải rào cản trong việc duy trì việc học tập cũng như thụ hưởng các cơ hội học tập.
“Việc chung tay giám sát tình trạng hòa nhập của các em, tiến hành phân tích lỗ hổng, hạn chế cũng có thể cung cấp thông tin cho công tác hoạch định chính sách và lập kế hoạch giáo dục, từ đó giúp thực hiện các giải pháp hiệu quả.
Do đó, chủ đề của Hội nghị hôm nay rất kịp thời. Chúng tôi mong muốn được nghe ý tưởng của không chỉ các chuyên gia mà còn của những người làm thực tiễn về công tác lập kế hoạch chiến lược vì sự công bằng, hòa nhập trong giáo dục với cách tiếp cận đồng tham gia và dựa trên quyền của người thụ hưởng”, ông Jonathan Baker bày tỏ.
Trong khuôn khổ của Hội thảo có các phiên họp toàn thể có tính tương tác cao nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường mối quan hệ và mở rộng các cơ hội kết nối giữa các tổ chức, các đơn vị, các đối tác về giáo dục và lập kế hoạch phát triển giáo dục.
Sau phiên toàn thể, Hội thảo cũng dành 2 ngày tập huấn về lập kế hoạch phát triển giáo dục địa phương nhằm nâng cao năng lực xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phát triển giáo dục cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và các chuyên gia về giáo dục.