Tập huấn Dự án VIETMUS ‘Phòng Lab thực hành tại chỗ và tổ chức cuộc thi Sáng tạo Âm nhạc trên nền tảng số’ được tổ chức tại Hà Nội.
Chương trình diễn ra từ ngày 25-30/3/2025 tại Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - thuộc khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đào tạo âm nhạc trong các trường đại học tại Việt Nam - Vietnam Music Universities Spurring - VIETMUS”.
Tham dự Hội nghị tập huấn có Ban điều phối VIETMUS, điều phối viên là thành viên dự án thuộc Liên minh châu Âu: Nhạc viện Palermo (Ý), Trường Eramushogeschool Brussel (Bỉ), Đại học Yasar (Thổ Nhĩ Kỳ) và thành viên dự án đến từ các trường đại học Việt Nam gồm Trường Đại học Thủ Dầu Một, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Hạ Long, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
Ngoài đại biểu tham dự trực tiếp, còn có một số trường tham dự trực tuyến đến từ Câu lạc bộ khối các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật như: Trường Đại học Hùng Vương Phú Thọ, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa…
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Lê Vinh Hưng - Phó Trưởng Ban Quản lý Dự án VIETMUS, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương khẳng định, Dự án VIETMUS là cơ hội để giảng viên, sinh viên trên toàn thế giới có thể học tập, trải nghiệm chương trình đào tạo kỹ năng biểu diễn trên các nền tảng số; đồng thời tiếp cận các cơ hội du học tại Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ và các trường đại học lớn trên thế giới.
Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương từng tham gia nhiều dự án và chương trình trao đổi và phát triển năng lực của giảng viên và sinh viên Nhà trường. Gần đây nhất, Nhà trường hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước tham gia dự án MOTIVE.
Đây là cơ hội tốt giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu ra của Nhà trường cũng như đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp với nhân sự. Từ đó, mở ra nhiều cơ hội việc làm và giúp thúc đẩy quá trình hoàn thiện, nâng cao được năng lực nhận thức và phát triển của sinh viên Nhà trường trong các lĩnh vực Văn hóa - Nghệ thuật.
“Thông qua chương trình tập huấn này, chúng ta có thể hiện thực hóa việc đưa và sử dụng các phần mềm âm nhạc vào quá trình đào tạo, trao đổi kiến thức và phát triển cá nhân trong tương lai” - PGS.TS Lê Vinh Hưng bày tỏ.
Trong một tuần làm việc với các bài giảng, các bài thuyết trình ông Nuno Cernadas - Đại học KCB (Bỉ) mong muốn mang đến cho sinh viên dễ dàng tiếp cận được các yếu tố âm nhạc về biểu diễn, giảng dạy, giảng dạy từ xa và thực hành âm nhạc.
Trong khuôn khổ của chương trình, các trường thành viên và điều phối viên đã tham dự Hội nghị Bàn tròn nhằm trao đổi thông tin, ý kiến của các trường thành viên về đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục, biểu diễn và sản xuất âm nhạc.
Trước đó, PGS.TS Lê Vinh Hưng có buổi gặp gỡ và trao đổi giữa các trường đại học thành viên của Dự án VIETMUS. Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận sâu rộng về phương hướng triển khai dự án tại các trường thành viên, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho đội ngũ giảng viên và sinh viên của tất cả các trường.
Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tự hào tham gia dự án âm nhạc quốc tế đầu tiên dành cho sinh viên, mang tên “VIỆT NAM Music Universities Spurring - VIETMUS”.
Dự án này được tài trợ bởi Cơ quan điều hành giáo dục và văn hóa châu Âu (EACEA) dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu thông qua Quỹ Erasmus. Dự án nhằm mục đích thúc đẩy giáo dục âm nhạc tại các trường đại học trên khắp Việt Nam.
Là sáng kiến âm nhạc quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam, VIETMUS mang đến những cơ hội có giá trị cho các cơ sở đào tạo tham gia và rộng hơn là cho các chương trình giáo dục âm nhạc tại Việt Nam nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng trong nghệ thuật biểu diễn, nhạc cụ hiện đại và ứng dụng kỹ thuật số trong đào tạo nghệ thuật.
Từ ngày 25-30/3/2025, Chương trình tập huấn với nhiều nội dung như: xây dựng nền tảng trực tuyến và các hoạt động đào tạo từ xa trên nền tảng Moodle; Ghi âm nhiều track dựa trên trình sắp xếp trực tuyến; phần mềm ký âm; lập trình nhiệm vụ tự động hóa với Chataigne; xây dựng nền tảng có độ trễ thấp cho các sự kiện âm nhạc trực tuyến; phiên thu âm và hậu kỳ âm thanh; tổ chức phiên âm nhạc Jam trực tuyến.