Phát biểu tại Hội thảo, ông Shawn Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết: “Bằng chứng cho thấy tiếng nói và khả năng lãnh đạo của phụ nữ không chỉ tạo ra nhiều sự vượt trội mà còn mang lại hòa bình bền vững, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho cộng đồng và cho quốc gia của họ. Khi phụ nữ tham gia vào các nỗ lực đàm phán và xây dựng hòa bình và đảm bảo an ninh, các giải pháp sẽ toàn diện hơn, phản ánh những gì một cộng đồng thực sự cần có để phục hồi sau xung đột hay mâu thuẫn. Điều này làm tăng sự đồng thuận của cộng đồng và mang lại nhiều cơ hội tốt hơn để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột hay mâu thuẫn”.
Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam nhấn mạnh: “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới 2021-2030 đã mở đường cho các nữ lãnh đạo trong ngành công an dịch chuyển sang quan hệ đối tác bình đẳng hơn với đồng nghiệp nam. Cả hai bên đều sẽ cùng hợp tác để thăng tiến dựa trên nguyên tắc bình đẳng thực chất về nghĩa vụ, về chính sách cũng như sự tôn trọng lẫn nhau trong công việc, đồng thời nỗ lực hướng tới giảm thiểu và xóa bỏ định kiến và phân biệt đối xử trên cơ sở giới, cả tại nơi làm việc và trong gia đình”.
Với sự tăng cường về mặt chuyên môn, các nữ công an sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu gia tăng của công tác trị an có nhạy cảm giới và những loại tội phạm mới nổi như tội phạm trên không gian mạng. Và Việt Nam có thể biến những cam kết quốc tế và quốc gia về bình đẳng giới và chương trình nghị sự Phụ nữ, Hòa Bình và An ninh thành hành động thực chất.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng lắng nghe những kinh nghiệm và chia sẻ của bà Marie-Claude Côté, Cảnh sát Hoàng gia Canada và Bà Gaelle Demolis, Chuyên gia Chương trình Khu vực của UN Women về Quản trị, Hòa bình và An ninh từ đó đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp thiết thực.