Cách tiếp cận đối với vấn đề Ukraine và kết nạp Thụy Điển
Về việc kết nạp Thụy Điển làm thành viên thứ 32 của NATO, trong đêm 10/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Tayyip Erdogan đã thông tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ không còn phản đối Thụy Điển và sẽ khuyến nghị Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sớm phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Đây là kết quả của những nỗ lực ngoại giao dồn dập vào phút cuối từ phía Mỹ, Thụy Điển cũng như cá nhân Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg.
Thực ra, đây không phải là kết cục bất ngờ bởi tất cả đều hiểu rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản Thụy Điển suốt 1 năm qua chỉ là một chiến thuật nhằm buộc Thụy Điển, Mỹ hay châu Âu nhượng bộ, đáp ứng một số đòi hỏi về chính trị, quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ còn về lâu dài sớm hay muộn Thụy Điển cũng sẽ gia nhập NATO. Thực tế thì để đổi lại việc bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu châu Âu nối lại các đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu hay yêu cầu Mỹ khởi động lại thương vụ bán máy bay F-16, F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Vấn đề Ukraine phức tạp hơn rất nhiều . Trước khi Thượng đỉnh NATO diễn ra, nội bộ NATO đang có hai quan điểm chủ đạo. Quan điểm đầu tiên đến từ các nước Đông Âu, Trung Âu, Baltic và Pháp cho rằng NATO cần phải sớm mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự, hoặc ít nhất phải đưa ra một cơ chế đảm bảo an ninh toàn diện cho Ukraine ngay tại Thượng đỉnh này, một dạng cơ chế như Mỹ trao cho Israel. Quan điểm thứ hai, với đại diện là Mỹ và Đức, thì thận trọng hơn khi cho rằng đây chưa phải là thời điểm NATO kết nạp Ukraine làm thành viên. Như Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu ngay trước khi lên máy bay đến châu Âu, “Ukraine hiện nay chưa sẵn sàng gia nhập NATO”. Một lí do khác, đó là nếu kết nạp Ukraine làm thành viên NATO vào thời điểm này thì về lý thuyết NATO sẽ lập tức rơi vào tình trạng chiến tranh với Nga, do điều 5 của Hiệp ước về phòng thủ tập thể sẽ phải được kích hoạt, trong khi đây lại là kịch bản mà các lãnh đạo NATO tìm mọi cách ngăn chặn từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ.
Dù quan điểm của Mỹ-Đức hiện là thiểu số nhưng do vai trò lãnh đạo của Mỹ áp đảo trong NATO nên sẽ rất khó có khả năng Ukraine nhận được lời mời gia nhập NATO ngay tại Thượng đỉnh này. Phía chính quyền Ukraine cũng hiểu rõ tình thế hiện nay nên Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đầu tuần này tuyên bố Ukraine cần có được một lộ trình rõ ràng, cụ thể, và chân thành về triển vọng gia nhập NATO. Nói cách khác, là Ukraine hiểu rằng nước này chưa thể gia nhập NATO chừng nào xung đột với Nga chưa chấm dứt nên hiện tại chỉ mong muốn được biết đến khi nào thì có thể được chấp nhận vào liên minh, với các điều kiện ra sao, và các đảm bảo an ninh kéo dài đến lúc nào?
Stoltenberg sẽ điều chỉnh chính sách ra sao để xây dựng sự đồng thuận
Việc ông Jens Stoltenberg được gia hạn thêm 1 năm nhiệm kỳ Tổng thư ký NATO là một tình thế tương đối miễn cưỡng đối với cả hai. Đây đã là lần thứ 4 ông Jens Stoltenberg được gia hạn nhiệm kỳ trên cương vị này và hồi tháng 02/2023, ông Jens Stoltenberg đã tuyên bố sẽ không ra tái cử. Việc phải ở lại thêm 1 năm sẽ buộc ông Stoltenberg trì hoãn các kế hoạch về việc tiếp nhận một vị trí lãnh đạo cao cấp trong lĩnh vực kinh tế ở quê nhà, vốn là lĩnh vực thế mạnh xuất thân của ông. Tuy nhiên, đối với NATO thì đây là một quyết định hợp lý bởi việc giữ lại một lãnh đạo có kinh nghiệm và được nhiều quốc gia thành viên ủng hộ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với NATO trong bối cảnh bất ổn an ninh nghiêm trọng hiện nay tại châu Âu, buộc NATO phải đối mặt với các thách thức lớn chưa từng có trong 3 thập kỷ qua.
Đối với NATO cũng như cá nhân ông Jens Stoltenberg, nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới vẫn là giữ vững được một mặt trận thống nhất trong nội bộ NATO trong việc xử lý xung đột Ukraine. Tại Vilnius, thách thức là dung hoà được các quan điểm khác nhau giữa các nước về việc kết nạp Ukraine còn về lâu dài hơn, đó là phải duy trì được sự ủng hộ về quân sự-chính trị ở quy mô lớn cho Ukraine, khi viễn cảnh về việc xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài nhiều năm ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Xa hơn nữa, ông Jens Stoltenberg cũng sẽ phải cân bằng được khác biệt giữa các nước NATO về việc mở rộng phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của NATO sang châu Á, cụ thể là việc Pháp phản đối các ý định của Mỹ về mở Văn phòng liên lạc của NATO tại Tokyo.
Tất cả những nhiệm vụ trên đều hết sức nặng nề với ông Jens Stoltenberg và thực sự thì Tổng thư ký NATO cũng không có quyền lực chính trị đáng kể nào để điều chỉnh chính sách của NATO. Vai trò quyết định trong NATO nằm ở chính quyền Mỹ và ông Jens Stoltenberg đôi khi chỉ là người thực thi các quyết sách cho người khác đưa ra. Ngoài ra, thời gian 1 năm cũng là quá ít để có thể hy vọng Tổng thư ký NATO tạo được các thay đổi đáng kể nào.
Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, tại hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva lần này, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ ký kết các kế hoạch phòng thủ và răn đe mới nhằm định hình phản ứng của các đồng minh trước các cuộc tấn công tiềm tàng. Các quyết định đưa ra hội nghị này cũng sẽ định hình mối quan hệ giữa NATO và Ukraine trong tương lai.