Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố, nước này cam kết gửi cho Ukraine gói viện trợ vũ khí mới trị giá 700 triệu euro (gần 770 triệu USD). Gói viện trợ mới bao gồm 2 hệ thống phòng không Patriot, 40 xe chiến đấu bộ binh Marder, 25 xe tăng chủ lực Leopard 1 A5 và nhiều loại vũ khí, đạn pháo khác.
Phát biểu từ Hội nghị NATO ở Vilnius, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace tuyên bố, Anh ủng hộ Ukraine gia nhập NATO sau khi xung đột kết thúc.
“Ukraine nên gia nhập NATO càng sớm càng tốt, nhưng chỉ sau khi xung đột chấm dứt”, ông Wallace nói.
Hôm 7/10, Tổng thư ký NATO Stoltenberg tuyên bố, Tổng thống Ukraine Zelensky được mời dự họp và sẽ có mặt.
“Ông Zelensky sẽ đến. Tôi vui mừng được chào đón ông ấy”, ông Stoltenberg nói.
Ông Stoltenberg cho biết, trong hội nghị này, ông mong các nước thành viên NATO sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng về việc mời Ukraine gia nhập khối.
Hệ thống phòng không được bố trí bảo vệ Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (ảnh: Reuters)
Trong một bài viết trên Telegram, ông Zelensky xác nhận sẽ tới Vilnius nhưng bày tỏ không hài lòng khi NATO đưa ra các “thông điệp yếu ớt”.
“Thật khó chấp nhận và vô lý khi khung thời gian không được ấn định, cả về lời mời lẫn tư cách thành viên của Ukraine”, ông Zelensky viết.
“Sự không chắc chắc sẽ là điểm yếu. Tôi sẽ nói thẳng thắn về vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh NATO”, ông Zelensky cho hay.
Bình luận về diễn biến của Hội nghị thượng đỉnh NATO, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov – cho rằng, hội nghị này thể hiện thái độ “chống Nga” rõ rệt.
Ông Peskov cảnh báo kịch bản Ukraine gia nhập NATO là “rất nguy hiểm đối với an ninh châu Âu”. Ông Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ đáp trả nếu NATO mời Ukraine gia nhập khối.