Doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu qua thương mại điện tử
Các chuyên gia kinh tế chia sẻ, với mô hình xuất khẩu truyền thống, một sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng cuối cùng, phải qua rất nhiều khâu, bắt đầu từ nhà sản xuất đến nhà xuất khẩu – nhà nhập khẩu – đơn vị bán sỉ, bán lẻ, cuối cùng mới đến tay khách hàng. Nhưng với thương mại điện tử, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chỉ cần từ nhà sản xuất và qua trung gian là đơn vị cung cấp dịch vụ.
Theo thống kê, đối với thị trường Mỹ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, bèo, cói trang trí nhà cửa rất được ưa chuộng. Tất cả những sản phẩm này đều xuất phát từ các doanh nghiệp nhỏ đến rất nhỏ, từ các làng nghề Việt Nam. Bên cạnh đó, mặt hàng may mặc của Việt Nam cũng được ưa chuộng tại thị trường Mỹ.
Muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Theo đó, cần xem xét yêu cầu ngành hàng, sản phẩm, lợi thế điểm bán hàng khi lựa chọn. Ví dụ, đồ handmade, thú bông móc tay của Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất cần hết sức chú ý đến yếu tố an toàn thực phẩm và đặc biệt không làm nhái, làm giả sản phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Trong bối cảnh hiện nay, TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, việc ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái trong TMĐT là một việc làm hết sức cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đây không còn là vấn đề của một vài cá nhân, tổ chức hay công ty mà là trách nhiệm của toàn xã hội và nhà nước. Đặc biệt là các doanh nghiệp đang muốn xuất khẩu hàng hóa, phải chống hàng giả sản phẩm ngay từ chính “sân nhà”.
Để giải quyết vấn đề chống hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong không gian mạng, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, người tiêu dùng.
Về lâu dài, phải xây dựng nền tảng TMĐT vững chắc, lựa chọn đơn vị điển hình để đẩy lùi các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo đó, phải xây dựng thể chế, nền tảng cơ sở pháp luật đáp ứng được nhu cầu về quản lý nhà nước trong thời gian tới đối với nền kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng, nghĩa là phải có khung pháp lý bắt kịp thời đại 4.0.
Đối với các sàn TMĐT chính thống, tuy không có vấn đề gì lớn về vấn đề này, nhưng cần có cam kết của chủ sàn là không có hàng giả, hàng phải có xuất xứ hàng hóa rõ ràng, nghĩa là mình đã lựa chọn được đầu vào rồi thì đầu ra sẽ yên tâm.
Tuy nhiên, đáng lo nhất là các livestream trên mạng xã hội facebook, zalo, tiktok thì chưa quản lý được, vì chủ tài khoản đều có kho riêng tập kết hàng hóa, không có lực lượng chức năng nào kiểm soát được. Người tiêu dùng chỉ có thể tự mình trải nghiệm và tự rút kinh nghiệm trong khi mua hàng trên các nền tảng này.
Hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung, cũng như trong thương mại điện tử nói riêng. Thực tế, các sàn điện tử cố chạy theo mục tiêu mở rộng, nhằm thu hút được nhiều chủ gian hàng.
Do đó, việc các sàn TMĐT làm chưa chặt chẽ các khâu kiểm soát, xác minh các loại sản phẩm, hàng hóa… điều này đã và đang tạo ra tình trạng trong số các sản phẩm hàng hóa đưa lên có nhiều mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải cương quyết bảo vệ thương hiệu ngay tại thị trường trong nước, nhằm nâng tầm hàng Việt trên thị trường quốc tế thông qua sàn TMĐT./.