Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Quốc hội nước này cung cấp thêm 24 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. "Tôi đang trông cậy vào phán quyết đúng đắn của quốc hội Mỹ", ông Biden nói.
Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby kêu gọi các nghị sĩ Mỹ không chặn nguồn tài trợ cho Ukraine, đồng thời cảnh báo rằng đây "thực sự là thời điểm quan trọng" để giúp Kiev.
Theo đài RT, các quan chức Mỹ cam kết hỗ trợ Ukraine "tới khi nào còn cần thiết". Tuy nhiên, cuộc phản công của Kiev, được phát động từ đầu tháng 6, tới nay vẫn chưa có thành quả đáng kể nào. Tình hình ở chiến trường khiến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khuyên những người ủng hộ Ukraine chuẩn bị tâm thế cho một cuộc xung đột kéo dài.
Trong một diễn biến khác, ông Werner Hoyer, người đứng đầu Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã cảnh báo người kế nhiệm rằng việc buông xuôi trước sức ép từ một số nước lớn ở EU nhằm tài trợ để mua vũ khí cho Ukraine sẽ khiến ngân hàng này "đi sai hướng". Ông Hoyer sẽ rời EIB vào cuối năm nay.
EIB được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tái thiết Ukraine. Tuy nhiên, một số chính trị gia tới từ các cường quốc EU, trong đó có Pháp và Đức, đã đề xuất ý tưởng về việc EIB cung cấp tài chính cho ngành công nghiệp quốc phòng, hỗ trợ Ukraine trên chiến trường.
EU đã tài trợ số vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine. Nhưng ông Hoyer cho rằng, nếu tham gia vào lĩnh vực này, EIB sẽ mất hình ảnh và tổn hại uy tín.
"Nếu chúng tôi sử dụng tiền của các đối tác để mua vũ khí, đạn dược cung cấp cho Ukraine thì chúng tôi đang đi sai hướng", ông Hoyer nói.