Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (ngụ khóm 3, phường Cái Vồn) cho biết bà giữ nghề nấu bắp truyền thống từ gia đình chồng. Hằng ngày, xe tải của bà tỏa đi khắp các tỉnh đồng bằng để gom về khoảng 5 tấn bắp. "Phải đúng là bắp mới hái tui mới mua. Nấu bắp phải theo công thức, bắp tươi đem về chặt bỏ vô nồi, đổ nước cho ngập, trong quá trình nấu phải canh lửa, châm nước vài lần rồi để đó... rạng sáng vớt ra đem đi chợ bán.
Vì nấu theo kiểu truyền thống như vậy, nên trái bắp tới tay người mua vẫn giữ màu xanh, vừa dẻo và giữ được vị ngọt tự nhiên. Trái bắp ngon tự nhiên như vậy là vì tui nấu bằng thùng tôn, thường phải thay thùng mới. Tụi tui chỉ nấu bắp tươi với nước, muối và đường phèn", bà Thủy chia sẻ.
Còn ở xóm nhang, phường Thành Phước, bà Trần Thị Cẩm Nhung (53 tuổi) nói mình đeo đuổi nghề đã mấy mươi năm. "Khoảng 10 năm trước, nhà tui làm nhiều lắm! Cả con đường này hầu hết nhà nào cũng làm nhang. Thời điểm đó ai làm nghề cũng khấm khá. Mọi công đoạn làm nhang hồi đó đều bằng tay nên xóm nghề tạo được việc làm cho rất nhiều lao động.
Bây giờ, mỗi ngày chỉ còn khoảng 70 thiên (1 thiên 1.000 cây), mỗi thiên bán được 30.000 đồng. Trừ hết chi phí lời được 300.000 - 400.000 đồng. Giờ giá nguyên liệu tăng cao, phải đi lấy ở rất xa. Nếu tính toán sòng phẳng thì làm nhang thời nay chỉ đủ tiền cơm gạo", bà Nhung nói.
Đối với bà và nhiều người trong xóm, cảnh tượng hai bên đường phơi nhang vàng rực như những chợ hoa ngày Tết, người người qua lại tấp nập chỉ còn lại trong ký ức.
Trao đổi về các làng nghề dần bị mai một, ông Lê Thanh Thuận - trưởng Phòng Kinh tế UBND thị xã Bình Minh - tâm sự: "Chúng tôi cũng có nhiều trăn trở và từng đề xuất nhiều giải pháp hồi sinh lại những làng nghề truyền thống.
Đó là cách lưu giữ truyền thống văn hóa nghề địa phương, góp phần phát triển du lịch bản địa". Tuy nhiên, thực tế thời cuộc có quá nhiều cái khó khiến các xóm nghề đang chật vật sinh tồn...
Bà Thạch Lan (66 tuổi, ở ấp Phù Ly, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh) kể chuyện nghề với đầy tâm trạng: "Ngày xưa, cả làng này nhộn nhịp từ sáng sớm tới tận trưa để làm cốm dẹp.
Cốm dẹp ở làng được phân phối khắp nơi. Thời đó, nghề cốm nuôi sống cả làng, có tiền cho con ăn học nên có mấy chục hộ theo nghề. Giờ người ta ít ăn cốm dẹp, làng nghề cũng chết theo. Mấy xóm trong xã chỉ còn được vài người bám víu vì khó bỏ nghề".
Nằm dưới chân cầu Sắt, phường Đông Thuận ngày nay là xóm bầu cải trứ danh một thời. Hiện xóm vẫn duy trì được 37 hộ bám nghề. Hồi xóm bầu cải còn xôm, cả làng nghề người người thay nhau quấn bầu lá chuối, người vô tro trấu, người ép hạt vào bầu ươm.
Để có những mầm cây rau màu tốt khỏe, dân xóm bầu cải thường dựng giàn ươm sát mé sông để tiện lấy nước. Đến khi thu hoạch, thương lái đến mua tấp nập, rồi cả nhà chia tiền cho nhau ai nấy cũng đều rất vui. Cả gia đình đều góp sức với nhau làm nên thu nhập cũng ổn định.
"Thời nay, nghề bầu cải vốn đã khó càng thêm khó khăn. Bọn trẻ giờ bỏ xóm đi làm ăn xa vì nghề này đâu còn nuôi sống được chúng như trước đây. Sắp tới còn có dự án làm bờ kè. Bà con ở đây không biết sẽ làm nghề ở đâu, làng nghề có còn đất sống nữa hay không. Ai cũng muốn phát triển thêm làng nghề, nhưng thiếu vốn và đầu ra. Đô thị hóa càng nhiều, đất đai trồng trọt ngày càng giảm, người mua giống cũng vắng đi", ông Tám Tui ưu tư.