Các chiến hạm Mỹ làm nhiệm vụ ở Biển Đỏ đã đối mặt với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm của lực lượng Houthi kể từ cuối năm ngoái. Một thuyền trưởng tàu chiến Mỹ gần đây nói loại tên lửa này của Houthi "nhanh hơn bất cứ thứ gì".
Tàu khu trục USS Carney của hải quân Mỹ hôm 20/5 đã quay về căn cứ ở Florida.
Theo Insider, tên lửa đạn đạo chống hạm là vũ khí nguy hiểm mà chưa từng quốc gia nào đối mặt cho đến khi lực lượng Houthi ở Yemen phóng chúng vào cuối năm ngoái.
Ước tính lực lượng Houthi đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào tàu chở hàng và các tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đỏ. Trong khi nhiều tàu chở hàng bị hư hại đáng kể, các tàu chiến Mỹ chưa từng bị tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi đánh trúng.
"Tên lửa đạn đạo chống hạm nhanh hơn bất cứ thứ gì", Jeremy Robertson, thuyền trưởng tàu khu trục USS Carney của hải quân Mỹ, nói với các phóng viên hôm 20/5.
Ông Robertson thừa nhận loại tên lửa này tạo ra thách thức lớn nhưng "Mỹ có đủ năng lực để phát hiện và đánh chặn".
USS Carney là tàu chiến Mỹ đầu tiên ngăn chặn các mối đe dọa từ Houthi ở khu vực vào tháng 10/2023. Kể từ đó, tàu khu trục Mỹ đã đánh chặn các tên lửa đạn đạo chống hạm, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình do Houthi phóng từ Yemen.
Bộ Tư lệnh Trung Tâm Mỹ phụ trách hoạt động của quân đội Mỹ ở Trung Đông cho đến nay chưa thể xác định cụ thể loại tên lửa đạn đạo chống hạm mà Houthi sử dụng. Houthi sở hữu nhiều tên lửa do Iran cung cấp nhưng cũng có một số tên lửa Houthi tự chế tạo dựa vào các linh kiện có nguồn gốc từ Iran, Bộ Tư lệnh Trung Tâm Mỹ cho biết.
Tên lửa đạn đạo nói chung có tốc độ lớn hơn tên lửa hành trình gấp nhiều lần và có thể mang theo đầu đạn lớn. Để có thể tấn công chính xác mục tiêu di chuyển trên biển, tên lửa cần có hệ thống dẫn đường tinh vi.
Sự xuất hiện của các tên lửa đạn đạo chống hạm không chỉ tạo ra mối lo ngại ở Biển Đỏ, mà còn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc, theo Insider. Bắc Kinh đã phát triển nhiều mẫu tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa có khả năng đánh trúng tàu chiến như tên lửa DF-21.
Tờ Insider dẫn lời các chuyên gia phương Tây cho biết, tên lửa đạn đạo chống hạm do Houthi phóng chưa tạo ra mối đe dọa thực sự như các tên lửa Trung Quốc. Dù vậy, các cuộc đối đầu ở Biển Đỏ đã cung cấp cho hải quân Mỹ kinh nghiệm trong việc phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Hôm 20/5, tàu khu trục USS Carney đã quay về căn cứ Mayport ở Florida, kết thúc hoạt động triển khai kéo dài hơn 7 tháng. Theo thông báo của Hạm đội 5, tàu USS Carney đã tham gia tổng cộng 51 cuộc đánh chặn. Lần gần nhất các tàu chiến Mỹ tham gia chiến đấu với cường độ như vậy là từ Thế chiến 2.