Theo một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch, việc nước này có gửi F-16 cho Ukraine hay không vẫn là một câu hỏi để ngỏ.
Một quan chức Anh cho biết, dù không có tiêm kích F-16 trong quân đội, London có thể mua tiêm kích này từ nước khác rồi chuyển tới cho Ukraine. Anh đang thảo luận về một loạt phương pháp với các nước khác để đưa F-16 tới Ukraine và sẵn sàng giúp đỡ Kiev mọi thứ từ hậu cần, đào tạo hay gây quỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cuối tuần qua cho biết, Washington sẽ làm việc với các đồng minh trong vài tháng tới để xác định khi nào F-16 được chuyển giao cho Ukraine và quốc gia nào sẽ thực hiện. Theo Bloomberg, kịch bản khả thi nhất lúc này là Mỹ sẽ không gửi F-16 cho Kiev mà kêu gọi các nước khác làm điều này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cũng tuyên bố Washington sẽ ủng hộ nỗ lực đào tạo phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16 của các đồng minh châu Âu. Việc huấn luyện diễn ra ở châu Âu nhưng vẫn cần sự cho phép của Mỹ vì nước này là nhà sản xuất của tiêm kích F-16. Hiện tại, chưa có quốc gia nào chính thức cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Gần đây, một số quan chức quân đội cấp cao của Mỹ đã đưa ra cảnh báo với Ukraine rằng, F-16 không phải là vũ khí “thần kỳ” hay có thể “thay đổi cuộc chơi”, vì Nga cũng có nhiều máy bay tương tự hoặc hiện đại hơn. Ngoài ra, các hệ thống phòng không của Nga cũng có khả năng đối phó hiệu quả với F-16.