Mặc dù Tiến sĩ bác sĩ Phan Bích Nga tuyên truyền rất nhiều về các sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi, nhưng không hề thấy bà nhắc nhở gì đến bằng chứng khoa học về loại TPCN này được nghiệm thu, hoặc công bố được chấp nhận ở Việt Nam.
Đây cũng là điều mà dư luận quan tâm, rằng tại sao trong rất nhiều lần truyền thông về các sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi, Tiến sĩ bác sĩ Phan Bích Nga mặc dù khen ngợi rất nhiều về loại sản phẩm này, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng khoa học/hoặc công trình nghiên cứu khoa học được nghiệm thu và công bố, về công dụng/tác dụng của từng sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi tốt đối với trẻ sơ sinh ?
Phải chăng, do không có những bằng chứng nghiên cứu khoa học xác nhận, nên vị bác sĩ này đành cứ phải mạnh miệng "khen xuông", nhằm lôi kéo các bà mẹ và trẻ sơ sinh tiêu thụ loại sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi (?).
Bác sĩ công tác tại viện Dinh dưỡng Quốc gia không có chức năng quảng cáo TPCN
Trong danh sách dài chúng tôi thu thập được, tiến sĩ, bác sĩ Phan Bích Nga không chỉ tham gia truyền thông về nhiều sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng Fitobimbi. Vị tiến sĩ, bác sĩ này còn rất tích cực tham gia truyền thông cho rất nhiều nhãn hàng khác và sữa công thức…
Được biết, Viện Dinh dưỡng Quốc gia được giao các nhiệm vụ nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và cơ cấu bữa ăn người Việt Nam, đề xuất cho nhà nước các biện pháp tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước từng giai đoạn, phân tích giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, nghiên cứu vệ sinh ăn uống, kiểm nghiệm thực phẩm, dinh dưỡng điều trị và đồng thời đào tạo cán bộ dinh dưỡng cho đất nước.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng là đơn vị có chức năng hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe để đảm bảo các mẹ sẽ có nguồn sữa tốt cho con bú, cách cho bú đúng… Ngoài ra, các mẹ còn được tìm hiểu về cách chăm sóc để trẻ phát triển khỏe mạnh, khi trẻ bệnh và hướng dẫn cách nuôi dưỡng trẻ trên từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, Viện cũng khám và tư vấn cho trẻ dưới 16 tuổi trong việc điều trị và hướng dẫn chế độ ăn cho trẻ. Ngoài ra, Viện còn hướng dẫn thực hành dinh dưỡng về cách chế biến thức ăn bổ sung cho các lứa tuổi và cách phòng các bệnh hay gặp ở trẻ vào sáng thứ 7 và Chủ nhật hàng tuần.
Như vậy, trong các chức năng được Nhà nước quy định cho Viện Dinh dưỡng Quốc gia, không thấy có chức năng cán bộ, bác sĩ/hoặc chuyên gia biên chế thuộc viện, tham gia truyền thông, quảng bá, định hướng/hoặc khuyến cáo sử dụng sản phẩm TPCN của nhãn hàng cụ thể.
Tuy nhiên tiến sĩ, bác sĩ, Phan Bích Nga – Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng trẻ em, thuộc Viện, lại thường xuyên tham gia truyền thông khen, quảng bá trực tiếp sản phẩm TPCN thuộc nhãn hàng cụ thể. Việc làm này của bác sĩ Phan Bích Nga có vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật và vi phạm quy định của Bộ Y tế…?
Nên chăng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cần có biện pháp nghiêm khắc và giải pháp chấn chỉnh lại công tác hoạt động của cán bộ thuộc biên chế của Viện, nhằm thực hiện cho đúng pháp luật, đúng với đạo đức của người hành nghề y và đúng với quy định của Bộ Y tế.
“Luật An toàn thực phẩm quy định, các đơn vị sản xuất kinh doanh chỉ được quảng cáo TPCN những nội dung đã được đăng ký, thẩm định và cơ quan chuyên môn cho phép. Thực tế, nhiều đơn vị còn lợi dụng hình ảnh các y bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên để quảng cáo TPCN là vi phạm pháp luật cần được xử lý”.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục Trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)