Theo PGS.TS Lê Văn Huy, cơ sở dữ liệu về thông tin bằng cấp của các trường đại học đều có thể khai thác trực tuyến. Trong tuyển dụng, hồ sơ của ứng viên phải qua nhiều khâu thẩm tra, đối chiếu.
“Trước đây, các trường còn gửi công văn đến nơi cấp bằng để xin xác nhận, nhưng giờ gần như có thể kiểm tra thông qua dịch vụ trực tuyến ngay trên website của nơi cấp. Chỉ cần có số hiệu văn bằng là có thể tìm kiếm kết quả chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, đối với những trường hợp có sự nghi ngờ thì cần có công văn đối chiếu để có căn cứ pháp lý”, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết.
Trước đó, tháng 9/2023, Trường ĐH Văn Lang đã miễn nhiệm chức vụ Trưởng khoa Du lịch đối với một giảng viên bị tố sử dụng bằng cấp không đáp ứng quy định của Bộ GD&ĐT. Theo đó, ông Lê Minh Thành bị tố sử dụng bằng tiến sĩ do trường nước ngoài cấp nhưng chưa được công nhận ở Việt Nam.
Bằng tiến sĩ ngành Quản trị học của ông Lê Minh Thành được Trường SMC tại Thụy Sĩ cấp năm 2017. Đây là chương trình đào tạo theo hình thức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp. Từ tháng 8/2019, ông Lê Minh Thành đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa Du lịch, Trường ĐH Văn Lang và từng đứng lớp giảng dạy thạc sĩ của trường này. Tuy nhiên, bằng tiến sĩ này chưa được Bộ GD&ĐT công nhận.
PGS.TS Lê Văn Huy cho biết, đối với bằng cấp nước ngoài, trong tuyển dụng và bổ nhiệm, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đều có công văn đề nghị Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT xác nhận đơn vị cấp bằng có được công nhận tại Việt Nam hay không.
Về vấn đề này, PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thông tin, việc kiểm soát của Bộ GD&ĐT Việt Nam đối với các chương trình liên kết được thực hiện thông qua công nhận bằng. Nếu người học và đơn vị sử dụng lao động không cần kiểm định, công nhận bằng thì bỏ qua khâu này.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người học và phụ huynh biết danh sách những chương trình hoặc cơ sở đào tạo nào ở nước ngoài được đánh giá kém chất lượng. Việc này sẽ giúp người học và đơn vị tuyển dụng có đầy đủ thông tin về giá trị bằng cấp của các chương trình liên kết, đào tạo tại nước ngoài.
PGS.TS Lê Văn Huy - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu có quy mô toàn quốc về văn bằng, chứng chỉ phục vụ cho công tác quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đơn vị tuyển dụng và người dân không thực hiện công tác tra cứu thì kho dữ liệu không có tác dụng nhiều. Đơn cử hiện nay, cùng với việc số hóa giáo dục, website của các trường đại học đã có chức năng tra cứu văn bằng, chứng chỉ nhưng rất ít đơn vị khai thác.