Để đưa đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam cần rất nhiều những nỗ lực từ nhiều phía, trong đó vai trò của các nhà đầu tư trong giáo dục cho mục tiêu này rất quan trọng, để từ đó có thể "phủ sóng" tiếng Anh tới mọi miền đất nước, trong đó có vùng sâu, vùng xa.
Năm 2018, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT đưa ra nhiệm vụ phổ cập tiếng Anh cho toàn bộ học sinh Việt Nam từ lớp 3 đến hết lớp 12. Nhiệm vụ tưởng chừng đơn giản với các trường tại Hà Nội, TPHCM hay các tỉnh thành lớn, nhưng tại một số vùng sâu vùng xa lại là một thách thức.
Khó khăn đến từ rất nhiều lý do, từ sự thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý, thiếu kinh phí, tư duy của phụ huynh và nhiều trường còn chưa coi trọng tiếng Anh nên bố trí số tiết học rất ít. Và khó khăn lớn nhất là về thiếu giáo viên tiếng Anh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nêu nhận định, đó lá thiếu đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ nói chung và dạy tiếng Anh nói riêng, thiếu số lượng, chứ chưa nói đến chất lượng, nhiều trường thiếu giáo viên nhưng không tuyển được. Ngay ở TPHCM, một thành phố trung tâm như vậy, nhưng số lượng hồ sơ nộp vào tuyển giáo viên dạy tiếng Anh ít hơn so với biên chế được phân bổ.
Còn đối với địa bàn miền núi, giáo viên tiếng Anh là sự thiếu thốn vô cùng phổ biến. Còn các điều kiện bảo đảm liên quan tới cơ sở vật chất, phòng bộ môn, máy móc phương tiện phục vụ, đây là phương tiện để chúng ta bảo đảm nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, sự đầu tư cho hạ tầng cơ sở dạy tiếng Anh ở các điểm trường hiện nay, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa vô cùng khó.
Năm 2022, khi iSMART Education (thành viên Tập đoàn Giáo dục EQuest) tiếp cận học sinh tại Mù Cang Chải, cả huyện chỉ có duy nhất một giáo viên tiếng Anh cơ hữu bậc tiểu học và 10 giáo viên hỗ trợ không thường xuyên. Thậm chí, nhiều năm mở đăng ký ứng tuyển, huyện hầu như không nhận được bất kỳ hồ sơ nào cho vị trí giáo viên tiếng Anh, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết.
Nhận thấy những bất cập to lớn dẫn đến sự thiệt thòi của các em nhỏ trong việc tiếp cận giáo dục, lãnh đạo Tập đoàn Giáo dục EQuest và iSMART đã quyết định có những sự đầu tư chiến lược gần như "không tưởng" vào thời điểm đó, là thực hiện bằng được nhiệm vụ: Đưa tiếng Anh lên Mù Cang Chải, dù khó khăn đến đâu.
Với nền tảng và kinh nghiệm trong triển khai giáo dục trực tuyến, cùng hệ thống bài giảng số, EQuest có quyết định vô cùng táo bạo nhưng lại đầy quyết liệt, là đưa công nghệ vào ứng dụng giảng dạy tại Mù Cang Chải. Thách thức thiếu giáo viên được Tập đoàn khắc phục bằng cách sử dụng các bài giảng số (các bài giảng được "video hoá", "hình ảnh hoá", có thể trình chiếu trên màn hình), cùng với một giáo viên địa phương đứng lớp thao tác hỗ trợ. Như vậy là trong cùng một khung giờ, qua một thiết bị trình chiếu có kết nối internet (Tivi hoặc máy tính), chỉ với một giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội, hàng nghìn học sinh Mù Cang Chải sẽ được học tiếng Anh cùng một lúc. Và con số có thể nâng lên gấp nhiều lần trong tương lai.
Trong hai năm qua, 4.000 học sinh của 17 trường tại huyện Mù Cang Chải đã được học tiếng Anh thông qua ý tưởng đầy nhân văn của EQuest. Chương trình iLINK (chương trình dạy và học Tiếng Anh thông qua môn Toán và Khoa học của iSMART Education - thành viên Tập đoàn EQuest, các bài giảng số xây dựng theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT) theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đã giúp thu hẹp lại khoảng cách địa lý và tối ưu nhân sự.
Sau một thời gian ngắn, không chỉ lần đầu các em nhỏ tại đây được tiếp cận tiếng Anh, mà nhiều em còn học tốt, học giỏi, có thể giao tiếp cơ bản. Quan trọng hơn, "các em còn tự tin trong giao tiếp, ham học hỏi hơn và có thêm nhiều cơ hội trong tương lai", TS. Đàm Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Giáo dục EQuest nhấn mạnh.
Sau hai năm triển khai, dự án iLINK tiếp tục thu về những "trái ngọt" với những thành tựu vô cùng đáng khích lệ từ những em bé tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. "Chương trình đã đạt được kết quả khả quan, với 70% học sinh hoàn thành môn khoa học bằng tiếng Anh, 77% học sinh hoàn thành môn Toán bằng tiếng Anh. Mặc dù là phương pháp lần đầu tiên áp dụng, cách làm hoàn toàn bằng phương thức online, nhưng kết quả đạt được rất đáng khích lệ".
Đây là một bước đi đột phá, giúp thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền. Góp phần xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiếng Anh trên toàn quốc từ một đơn vị tư nhân như EQuest. Trong tương lai, EQuest sẽ tiếp tục mở rộng dự án đến nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần cùng giáo dục cả nước chung tay tháo gỡ những khó khăn tại vùng sâu, vùng xa.
"Chúng tôi từng nghĩ rằng việc triển khai tại vùng sâu vùng xa, cho học sinh dân tộc nội trú - nơi tiếng Việt không phải tiếng mẹ đẻ sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng nếu nghiên cứu nghiêm túc, có đầu tư một cách hợp lý, việc này không phải không làm được" - TS. Đàm Quang Minh chia sẻ thêm.