Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn ở bức tranh rộng hơn, với mấy trăm trường đại học và nhìn ở hơn 300 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài thì chúng ta thấy vẫn còn trăn trở nhiều vấn đề.
Thực tế, vẫn còn băn khoăn của người học về việc chi khoản tiền không nhỏ cho đào tạo nhưng bù lại, họ được cái gì? Không phải là bằng cấp, mà là các chứng chỉ, khi đi vào thị trường lao động không được công nhận. Đây là câu chuyện mà chúng ta đã bắt gặp. “Qua tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ trăn trở về vấn đề các chương trình liên kết đào tạo” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa thông tin.
Đặt vấn đề, có hay không tình trạng “sính ngoại”, có chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng? Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, câu trả lời là: Đâu đó vẫn có thực tế này. Ngoài ra, số lượng cơ sở giáo dục đại học vi phạm về liên kết đào tạo không phải là ít.
Đề cập đến một số giải pháp, bà Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi, cần tư duy đầy đủ, đúng nhất về liên kết đào tạo. Đây không chỉ là chuyện chương trình, mà còn là đội ngũ và các yếu tố bảo đảm khác. Đó cũng không chỉ là số lượng, mà là chất lượng. Không chỉ là doanh thu để bảo đảm điều kiện của các cơ sở giáo dục đại học, mà còn là thương hiệu.
Ngoài ra, còn là vấn đề tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các trường. Cơ sở giáo dục đào tạo nào làm tốt tự chủ, chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo liên kết, chủ động tìm đối tác đúng tầm thì hướng đi ấy đúng. Trách nhiệm giải trình, cũng cần được quan tâm trong sự minh bạch về thông tin. “Người dân, sinh viên cần thông tin chính xác về đối tác liên kết đào tạo, về đầu ra, nội dung, yêu cầu mà người học tham gia sẽ được cái gì...” - bà Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - nhìn nhận, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nội tại các trường đại học khi có sự liên kết, hợp tác giảng dạy với trường đại học nước ngoài. Đó là việc nâng cao chất lượng đội ngũ trong quá trình giảng dạy; tiếp thu những công nghệ mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, nếu xét tỷ trọng các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài thì có hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý. 25% là chương trình liên quan đến khoa học công nghệ và chỉ 10% là chương trình của khối ngành khác. Các chương trình đào tạo quốc tế chủ yếu là trình độ đại học, rất hiếm chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Do đó, thời gian tới, Bộ GD&ĐT mong muốn đẩy mạnh hơn nữa chương trình liên kết đào tạo sau đại học.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cũng cho hay, hiện có trên 25 nghìn sinh viên theo học các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài trong phạm vi cả nước. Số lượng này chưa phải nhiều. Song, chúng ta cũng không nên chạy theo số lượng, các chương trình mới được mở cần chú trọng về chất lượng. “Khi giám sát việc tuyển sinh đào tạo, tôi thấy rằng đây là xu hướng tốt” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, Bộ GD&ĐT căn cứ vào kết quả kiểm tra hậu kiểm, chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo. Dự kiến, trong năm tới, Bộ GD&ĐT có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết nước ngoài.