Tìm giải pháp cho đội ngũ giáo viên trường chuyên

Hiếu Nguyễn | 16/03/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đội ngũ giáo viên (GV) trường THPT chuyên luôn là “tinh hoa” của ngành Giáo dục địa phương. Việc phát triển chất lượng đội ngũ được các trường xác định là khâu then chốt.

Giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trong giờ thực hành.Giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế trong giờ thực hành.

Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều trường chuyên thiếu người giỏi, đặc biệt hạn chế về năng lực ngoại ngữ.

Chưa đồng đều chất lượng

Mặc dù trình độ chuyên môn của GV, cán bộ quản lý đã từng bước được cải thiện, về cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của công tác giáo dục chuyên sâu, nhưng theo Bộ GD&ĐT, khảo sát trực tiếp tại một số trường chuyên cho thấy chưa xây dựng được mạng lưới hoạt động mạnh mẽ của đội ngũ GV đầu đàn, một bộ phận chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Trình độ ngoại ngữ của GV chuyên, cán bộ quản lý chưa theo kịp với tốc độ hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.

Ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Giai đoạn 2010 - 2020, Sở GD&ĐT Phú Thọ có kế hoạch và chú trọng phát triển đội ngũ GV, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Hùng Vương. 100% cán bộ quản lý, GV giỏi chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng thông thạo tin học, thiết bị dạy học hiện đại. Một số cán bộ quản lý, GV chủ trì hoặc tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, ngành, có nhiều công trình công bố tại các tạp chí khoa học trong nước, quốc tế... Tuy nhiên, Trường THPT chuyên Hùng Vương vẫn gặp khó khăn bởi đội ngũ của nhà trường tuy đủ về số lượng nhưng chưa thật đồng bộ về cơ cấu bộ môn và chất lượng.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Thiện Thành (Trà Vinh), thuận lợi của nhà trường là đội ngũ GV tâm huyết, phấn đấu học tập, nghiên cứu và giảng dạy tốt. Học sinh (HS) được tuyển chọn từ nguồn HS giỏi của tỉnh; được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo ban ngành tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền, sở GD&ĐT…

Tuy nhiên, liên quan đến đội ngũ, nhà trường vẫn gặp khó khăn trong chiến lược phát triển; chưa có điều kiện đưa GV giảng dạy tiếng Anh đi bồi dưỡng tại nước ngoài. Thời điểm này, trường chỉ có 1 GV được đào tạo thạc sĩ chuyên ngành TESOL tại Mỹ, 1 GV được đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục tại Australia, 1 GV được bồi dưỡng về phương pháp giáo dục tại Nhật Bản. Năng lực sử dụng thông thạo một ngoại ngữ trong giao tiếp, nghiên cứu, giảng dạy của GV, cán bộ quản lý còn hạn chế...

Tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (Bình Thuận), thầy Hiệu trưởng Dương Đức Tuấn thừa nhận nhà trường còn thiếu thầy giỏi; năng lực GV không đồng đều, số GV đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng được HS giỏi chiếm tỷ lệ khá thấp.

Từ năm 2012, việc tuyển chọn GV Trường THPT chuyên Quốc Học Huế được tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm chỉ đạo tại Quyết định số 2473/QĐ-UBND. Theo quy định này, thầy Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: 10 năm qua, Trường THPT chuyên Quốc Học tuyển được 20 GV là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hoặc thạc sĩ có điểm môn giảng dạy trên 8,0.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học cho Trường THPT chuyên Quốc Học: Chính sách học bổng, chế độ khen thưởng GV, HS; tuyển dụng và bồi dưỡng đội ngũ GV; đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học… Dù đội ngũ GV đa số có năng lực chuyên môn tốt, tuy nhiên thầy Thọ cho rằng vẫn còn có một số ít GV chưa cố gắng tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đội ngũ GV có kinh nghiệm thì đến tuổi nghỉ hưu, GV trẻ có năng lực song còn thiếu kinh nghiệm nên hạn chế trong công tác bồi dưỡng HS giỏi.

Nguyên nhân của những hạn chế trên, nhìn chung các ý kiến đều cho rằng do cơ chế, chính sách thu hút GV giỏi về công tác giảng dạy tại trường chuyên ở một số nơi chưa hấp dẫn. Nhận thức về tầm quan trọng của ngoại ngữ còn hạn chế. Tư duy chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nội dung, phương pháp dạy học ở một bộ phận GV chưa được phát huy...

Ảnh minh họa/INT

Cần chính sách thu hút, tạo động lực

Chia sẻ về giải pháp về công tác tuyển chọn, xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ trong giai đoạn 2022 - 2032, thầy Dương Đức Tuấn cho biết: Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo tiếp tục tuyển chọn GV bằng hình thức kết hợp thi tuyển (chủ yếu đối với các năng lực chuyên môn) và xét tuyển (chủ yếu đối với ý thức trách nhiệm, đạo đức nhà giáo).

Bảo đảm đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu và đạt mức cao của Chuẩn nghề nghiệp; nâng tỷ lệ GV, cán bộ quản lý trình độ tiến sĩ, thạc sĩ đồng thời với việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học và khả năng nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu vừa tăng quy mô, vừa nâng cao chất lượng giáo dục. Nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch mời các chuyên gia, GV, tình nguyện viên nước ngoài về tham gia dạy ngoại ngữ, giảng dạy bằng tiếng nước ngoài cho một số môn học nhằm bổ trợ kiến thức, nâng cao khả năng giao tiếp cho HS, cán bộ, GV của trường.

Tại Phú Thọ, theo ông Phùng Quốc Lập, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh xây dựng Đề án phát triển Trường THPT chuyên Hùng Vương giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu hình thành đội ngũ GV nòng cốt, tiêu biểu về phẩm chất, đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và đủ điều kiện tham gia hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của tỉnh, Bộ GD&ĐT. Tiếp tục tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh quy định một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT chuyên Hùng Vương và công tác đào tạo, bồi dưỡng HS giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế giai đoạn 2020 - 2030...

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu điều chỉnh các quy định liên quan đến tăng mức độ tự chủ cho các trường chuyên. Sửa đổi Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Khoản 2, Điều 3 Thông tư này quy định: “Không vận động tài trợ để chi trả: Thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, GV, giảng viên và nhân viên, hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, GV, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục”, khiến các nhà trường khó khăn trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho con người.

Trường sẽ cải tiến công tác thi chọn HS giỏi quốc gia (tăng vai trò của GV các trường chuyên ở tất cả công đoạn); bổ sung thi môn Ngoại ngữ như môn điều kiện ở các môn. Đồng thời, tăng cường tổ chức hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giáo dục đặc thù cho cán bộ, GV trường chuyên.

Theo thầy Nguyễn Phú Thọ, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định số 2100/QĐ-UBND quy định các tiêu chuẩn mới để tuyển dụng GV mới, điều chuyển GV giỏi từ các trường khác về và sàng lọc đội ngũ của trường. Nhà trường sẽ làm theo hướng này. Đồng thời tạo mọi điều kiện để đội ngũ hiện nay tự bồi dưỡng cũng như tham gia các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn. Những GV có kinh nghiệm sẽ dìu dắt và trau dồi kinh nghiệm cho đội ngũ GV trẻ. Nhà trường sẽ nỗ lực đưa ra những giải pháp để tạo động lực cho GV đam mê chuyên môn, tâm huyết trong công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân tài.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp cho đội ngũ giáo viên trường chuyên