Học đường

Tìm giải pháp để học sinh tiểu học đáp ứng mục tiêu CT GDPT 2018

Lê Hữu Tân 01/02/2024 16:51

(GDTĐ) - Phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà mới đây đã tổ chức “Tọa đàm bàn về các giải pháp hướng dẫn học sinh rèn luyện ở nhà đáp ứng mục tiêu chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

phong-giao-duc-huyen-thach-ha-2.jpg
Các giáo viên sôi nổi thảo luận tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Trường Tiểu thị trấn 1 (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tỉnh, đại diện nhóm dạy lớp 1) cho rằng, việc giao bài về nhà dưới dạng yêu cầu tập viết, học bài ở nhà là phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do một số bài học nhiều vần, thời lượng tiết học chưa đủ để các em nắm chắc kiến thức.

Một số học sinh còn “non”, khả năng tiếp thu bài còn chậm nên đòi hỏi các em phải rèn luyện thêm ở nhà mới theo kịp các bạn cùng lớp nên vẫn giao bài về nhà.

Một nguyên nhân nữa là tâm lý của phụ huynh muốn con mình phải đạt kết quả cao trong quá trình học dẫn đến có nhu cầu nhờ giáo viên ra bài về nhà cho các con….

Đặc biệt một số phụ huynh mong muốn giáo viên giao nhiều bài tập về nhà để hạn chế việc con sử dụng không đúng mục đích từ điện thoại, máy tính bảng, iPad, tivi, hoặc các trò chơi điện tử …

Theo đó, để không giao bài tập về nhà cho học sinh, nhiều ý kiến đã đề xuất tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được việc tổ chức dạy học theo chương trình GDPT 2018 và văn bản của ngành về dạy học 2 buổi/ngày với tiểu học.

Hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức bài học vào thực tế cuộc sống (nếu có thể); tìm tòi, phát triển sáng tạo vấn đề đã học với các giải pháp, cách làm khác từ nhu cầu của học sinh.

Hướng dẫn đọc sách mà em thích, đọc theo chủ đề, mở rộng hoặc chuẩn bị cho bài mới; khuyến khích học sinh tự học, tự nghiên cứu, tra cứu thông tin theo sở trường, đam mê, tạo hứng thú trong cuộc sống… phù hợp với tâm lý học sinh, phụ huynh lớp mình và phong tục tập quán địa phương, điều kiện nhà trường.

Hỗ trợ học trò rèn luyện về đạo đức, nếp sống văn mình, lễ phép trong giao tiếp, tôn trọng người xung quanh theo truyền thống người Việt.

Hướng dẫn các nhóm học sinh trao đổi, chia sẻ, tìm hiểu mở rộng cùng nhau, cùng người thân về các vấn đề của bài học…

phong-giao-duc-huyen-thach-ha-1.jpg
Bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) chia sẻ tại tọa đàm

Luôn chú trọng phát triển toàn diện cho học trò, duy trì nghiêm túc không dạy thêm, học thêm; không giao bài tập về nhà theo quy định của ngành, giảm áp lực học tập, dành thời gian cho học sinh phát triển các kỹ năng... bà Nguyễn Thanh Nga, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã đưa ra các gợi ý như, mỗi giáo viên dựa trên đối tượng học sinh, điều kiện tại lớp, gia đình học sinh và văn hóa vùng miền mà linh hoạt, sáng tạo phương án sử dụng tại lớp giúp học sinh đạt yêu cầu bài học mà không cần giao bài tập về nhà.

Cán bộ quản lý, giáo viên cần nhận thức, xóa bỏ việc giao nhiều bài tập về nhà một cách máy móc; có bản lĩnh trước áp lực về nhu cầu giao bài về nhà, mong muốn giáo viên dạy thêm cho học sinh của một bộ phận phụ huynh.

Tập trung tuyên truyền trong phụ huynh về nội dung, mục tiêu chương trình GDPT 2018, việc không giao bài về nhà khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; hướng dẫn phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, giao tiếp phù hợp tâm lý, sức khỏe, nhận thức học sinh tiểu học; phù hợp sở thích, nhu cầu, vùng miền, điều kiện gia đình và tạo niềm tin, niềm vui cho các em trong thời gian ngoài giờ lên lớp.

Bên cạnh đó, giáo viên tiếp tục nghiên cứu chương trình môn học, đối chiếu đối tượng học sinh, điều kiện thực hiện, văn hóa, phong tục vùng miền đề xuất các tổ chuyên môn điều chỉnh kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo lượng kiến thức trong mỗi tiết học không quá tải với học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể tại nhà trường, địa phương, vùng miền.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm giải pháp để học sinh tiểu học đáp ứng mục tiêu CT GDPT 2018