Theo ông Dũng, người học tham gia chương trình đào tạo được tuyển chọn từ nguồn học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM; đáp ứng chuẩn năng lực về kiến thức, kỹ năng, thái độ (đầu vào) theo quy định tuyển sinh của cơ sở giáo dục đại học và đáp ứng đủ năng lực tài chính.
Sở GD&ĐT đề xuất 3 nhóm người học tham gia chương trình. Thứ nhất, sinh viên năm 3, 4 của các trường đại học đồng ý tham gia chương trình đào tạo theo đề án thành phần với điều kiện cụ thể về kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, ngành đang học…, có thể tuyển sinh thông qua khảo sát hoặc bài đánh giá để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Thứ hai, học sinh lớp 12 các trường THPT tham gia chương trình thông qua đợt tuyển sinh hàng năm của các trường. Thứ ba, cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các đơn vị trên địa bàn thành phố, có nguyện vọng tham gia.
Kinh phí thực hiện đề án được bảo đảm từ nguồn ngân sách Nhà nước, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Người học sau khi tốt nghiệp theo chương trình của đề án thành phần được TPHCM giới thiệu việc làm trong thời hạn 1 năm tính từ khi nhận bằng tốt nghiệp.
Về phía chính quyền TPHCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đề nghị các trường tập trung triển khai đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và đại học chia sẻ.
Theo đó, với 4 đề án thành phần đã nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ phối hợp để triển khai đặt hàng ngay cho các trường để đào tạo nhân lực, hoàn thành trong tháng 6/2024. Những đề án thành phần còn lại, các hội đồng khối ngành và trường được giao nhiệm vụ phải bám sát để thực hiện đúng tiến độ được giao.
“Đào tạo những ngành nào, số lượng bao nhiêu, ai sẽ tham gia và thành phố phải đầu tư, có chính sách gì, trong quý I/2024, các sở, ngành, trường phải trả lời các câu hỏi như thế”, ông Phan Văn Mãi đặt vấn đề. Người đứng đầu chính quyền TPHCM cũng khẳng định: “Thành phố sẵn sàng dành hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực”.
Ông Phan Văn Mãi cũng lưu ý, ngoài đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành), Hội đồng hiệu trưởng cần tập trung cho đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm quốc tế về giáo dục và đào tạo thu hút sinh viên khu vực và thế giới. Trong thời gian tới, TPHCM sẽ chọn lựa và tập trung đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo ở một số trường đại học có thế mạnh, không phân biệt là trường công hay trường tư, trường của thành phố hay các bộ, ngành.