Tìm lời giải bài toán quá tải trường lớp

25/04/2024, 13:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT quy định tăng số lớp so với quy định hiện hành là phù hợp và cần thiết...

Cũng nhìn nhận tích cực về việc điều chỉnh tăng quy mô tối đa trường THPT lên 50 lớp học thay vì 45 lớp như hiện tại, cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho rằng, điều này góp phần giảm tải sĩ số học sinh/lớp, nhất là ở các khu đô thị lớn, nơi có tốc độ tăng dân số cơ học cao.

Thực tế, nếu tăng số lớp thì công tác quản lý của nhà trường không có nhiều xáo trộn. Dù vậy, cô Phan Thị Hằng Hải lưu ý, nếu tăng quy mô lớp học sẽ kéo theo thách thức về thiếu giáo viên và cơ sở vật chất. Hiện, nhiều trường ở các địa phương chưa đảm bảo điều kiện về phòng học, trang thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018.

Nếu dự thảo Thông tư mới được ban hành và có hiệu lực thi hành, các tỉnh/thành cần rà soát lại số lượng lớp học, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học thì việc tăng quy mô số lớp học ở trường THPT sẽ không bị áp lực.

Hơn nữa, để tăng quy mô số lớp, các trường cần được quy hoạch, xây dựng thành nhà cao tầng phù hợp với quy định hiện hành trong lĩnh vực xây dựng. Vậy với trường xây dựng cách đây nhiều năm thì kết cấu, độ chịu lực liệu có đảm bảo nếu chồng tầng lên hay không?

“Đến nay đã gần hết năm thứ 2 áp dụng Chương trình GDPT 2018 với cấp THPT, nhưng chưa có giáo viên dạy hai môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Do đó, nhà trường không thể đưa hai môn này vào thành môn lựa chọn cho học sinh.

Nội dung về Giáo dục địa phương hay Trải nghiệm hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm cũng phải kiêm nhiệm dạy vì không có nhân sự chuyên trách. Nhiều trường ở Vĩnh Phúc hiện chưa được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng học bộ môn. Bài toán về đội ngũ và cơ sở vật chất luôn là thách thức lớn với các nhà trường”, cô Hải trao đổi thêm.

Tương tự, cô Ngô Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) nhận định, tăng số lớp học sẽ giảm áp lực cho các thành phố lớn có dân số tăng cơ học cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời giảm được tình trạng mở trường nhỏ; trường học được nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất mới để giảng dạy.

Cô Giang cũng lưu ý, trước khi tăng lớp học phải có lộ trình tăng số lượng phòng học và thiết bị phục vụ cho dạy, học. Theo đó, các trường phải cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, có thời gian chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Ví dụ: Hiện, Trường THCS Ngọc Lâm chỉ đáp ứng đủ 28 lớp học cho 4 khối, nếu muốn tăng số lớp học thì phải đầu tư xây dựng phòng học, tuyển thêm giáo viên mới đáp ứng yêu cầu.

“Khi Thông tư được ban hành, có hiệu lực, việc tăng quy mô lớp với những trường vẫn dư diện tích so với sĩ số học sinh hiện tại sẽ thuận lợi. Tuy nhiên, có những trường cần tăng số lớp nhưng diện tích không đủ thì cần mở rộng; khi đó nhà trường sẽ phải làm tờ trình gửi các cấp xem xét. Những trường xây dựng từ khi Thông tư có hiệu lực thi hành, tất nhiên sẽ áp dụng luôn theo quy định mới”. - Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tim-loi-giai-bai-toan-qua-tai-truong-lop-post680808.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tim-loi-giai-bai-toan-qua-tai-truong-lop-post680808.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm lời giải bài toán quá tải trường lớp