“Ví dụ rút khỏi cơ sở dữ liệu nhà khoa học; chấm dứt hợp đồng thực hiện đề tài; cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn tham gia/chủ trì các đề tài, dự án… thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, như một số vụ việc gần đây”, PGS.TS Nguyễn Tài Đông viện dẫn; đồng thời cho rằng, muốn thực sự liêm chính, nhà khoa học phải sống được bằng khoa học chân chính.
Sinh viên Trường ĐH CMC (Hà Nội). Ảnh: NTCC |
TS Dương Tú cho rằng, nhà khoa học nên đóng vai trò làm gương về liêm chính và sự minh bạch để tạo cảm hứng cho xã hội. Nếu nhà khoa học từ bỏ trách nhiệm này, tức là quay lưng với những người tài trợ, đóng thuế cho mình làm nghiên cứu. Chuyên gia đến từ Đại học Purdue (Mỹ) đề xuất:
Thứ nhất, xây dựng hệ thống nghiên cứu khoa học rõ ràng, phân công trách nhiệm từ trên xuống dưới, cơ chế đảm bảo trách nhiệm giải trình mang tính trọn đời của nhà khoa học; có cơ quan chuyên trách về giải quyết vấn đề liêm chính.
Thứ hai, bỏ chạy theo chỉ số như: Số lượng bài báo, số lượng trích dẫn, xếp hạng. Nghiên cứu cần sáng tạo tri thức mới, phục vụ thiết thực cho xã hội. Thứ ba, cần có cơ chế để đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà khoa học. Thứ tư, có cơ quan chuyên trách về liêm chính khoa học, để giải quyết các vấn đề xung quanh như: Tố cáo, hay giải đáp thắc mắc…
Hình thành thiết chế về liêm chính trong nghiên cứu khoa học và nền tảng pháp luật phải gắn với nền tảng văn hóa, giáo dục, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) gợi mở, đồng thời kiến nghị, cần có khung quy định bao trùm về nghiên cứu học thuật dưới góc độ Nhà nước giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ngoài ra, cần chỉnh lại quy định, bài báo khoa học là sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách vì nếu chỉ quy định trên tạp chí thì các nhà khoa học xã hội bị vướng.
Từ kết quả nghiên cứu, PGS.TS Trương Việt Anh và nhóm tác giả đề nghị, các cơ sở giáo dục đại học cần thiết xây dựng quy định nội bộ để đảm bảo căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật. Chú trọng truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật; đồng thời thống nhất, sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn.
Cùng đó, cần có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật để làm rõ thái độ và phòng ngừa. Cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng quy định về liêm chính học thuật, nêu rõ về ngưỡng đạo văn (% trùng lặp giới hạn) trong các báo cáo và công bố theo đặc thù lĩnh vực phù hợp. Mặt khác, có thể sử dụng các công cụ kiểm tra đạo văn đảm bảo khách quan trong các sản phẩm khoa học, đào tạo. “ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang xây dựng phần mềm kiểm tra trùng lặp bằng tiếng Việt...”, PGS.TS Trương Việt Anh thông tin.
Đối với cơ quan quản lý và hệ thống, PGS.TS Trương Việt Anh cùng nhóm tác giả đề xuất, phối hợp, kết nối các cơ quan quản lý Nhà nước về: Quan điểm thống nhất và xây dựng chính sách thực hiện liêm chính học thuật tại cơ sở nghiên cứu, đào tạo; cơ quan quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học và đào tạo dùng chung cơ sở dữ liệu phục vụ kiểm soát đạo văn; thống nhất về công cụ kiểm soát đạo văn; các đơn vị trong nghiên cứu và đào tạo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học, đào tạo; phối hợp tuyên truyền nhận thức cho cán bộ và người học.
“Làm sao để có tình yêu thực sự trong nghiên cứu, từ đó chia sẻ, đóng góp cho cộng đồng”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng - giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề và nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học nên đẩy mạnh đào tạo cho người học về phương pháp nghiên cứu khoa học. Thực tế các nhà khoa học trẻ ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên hành trình theo đuổi nghiên cứu khoa học.
Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy chế về liêm chính nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì một cán bộ giảng viên phải làm nhiều công việc khác nhau. PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng đề xuất, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần có bộ quy tắc chung. Trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo sẽ xây dựng quy tắc riêng trong vấn đề liêm chính nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, chúng ta cần có hậu kiểm và chế tài xử lý nếu vi phạm về liêm chính.
GS.TS Phùng Hồ Hải - Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, văn hóa khoa học nằm ở chỗ trò sẽ học thầy. Thầy mà xấu thì kiểu gì trò cũng xấu. Nên phải xây dựng được văn hóa liêm chính khoa học.