“Giới trẻ nghe đến từ chăn nuôi - thú y hầu hết nghĩ đến việc chăn nuôi lợn, gà, vịt bò… nên thờ ơ với ngành học. Tuy nhiên, chăn nuôi thú y có nhiều nhánh nhỏ. Tương lai ngành này cần nhiều nhân lực do thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt ngày càng tăng nên quy mô nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ. Vì vậy, các cơ sở kinh doanh đều chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi với quy mô lớn như trang trại”, Tiến nhận định.
Còn theo ThS Nguyễn Anh Dũng, để nâng cao hiệu quả sản xuất, các doanh nghiệp, trang trại cũng như hệ thống quản lý Nhà nước đang tìm kiếm nhân lực có kiến thức tổng hợp cả về chăn nuôi và thú y. “Đây là cơ hội lớn cho sinh viên theo học ngành này. Trường đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ sinh viên thực tập, tuyển dụng sau khi ra trường”, ThS Nguyễn Anh Dũng thông tin.
Việc ký kết hợp tác mang nhiều ý nghĩa thiết thực, nhất là sinh viên ngành Chăn nuôi - Thú y sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. |
Lễ tốt nghiệp và bàn giao sinh viên ra trường cho Công ty cổ phần GreenFeed theo chương trình hợp tác. |
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ), những năm gần đây, ngành Thú y và Chăn nuôi luôn nằm trong nhóm có kết quả tuyển sinh tốt nhất của trường. Năm 2023, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Thú y là 116 sinh viên và có 112 em vào học. Với ngành Chăn nuôi, kết quả tuyển sinh đạt 113/140 chỉ tiêu.
“Theo khảo sát, 95% sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đúng với chuyên ngành đào tạo. Các em làm việc tại doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở sản xuất thuốc thú y và sinh phẩm thú y, xí nghiệp chế biến động vật và thủy sản.
Cũng có sinh viên làm việc tại các đơn vị khuyến nông, Cục Thú y, Viện Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số em tự khởi nghiệp bằng cách mở phòng mạch thú y, dịch vụ thú y, chăm sóc thú cưng…”, PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ cho hay.
Nhấn mạnh, đào tạo ngành Thú y và Chăn nuôi có sự liên thông với nhau, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp viện dẫn, sinh viên học ngành Thú ý được học thêm về chăn nuôi và ngược lại. Theo đó, dù học ngành nào, sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn có thể làm việc ở lĩnh vực thú y hoặc chăn nuôi. Ngoài trang bị kiến, nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng và năng lực nghề nghiệp để các em có thể bắt tay vào việc luôn khi được tuyển dụng.
“Chúng tôi chú trọng đào tạo theo hướng ứng dụng, nghĩa là sinh viên được trải nghiệm, thực tế tại địa phương, trang trại và công ty thông qua các học phần thực hành. Qua thực tế, sinh viên vận dụng những kiến thức đã học trong chẩn đoán, điều trị bệnh gia súc, gia cầm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng và nấm. Đồng thời, các em được trang bị thêm kỹ năng quản lý trang trại và kỹ năng mềm khác như tư duy, làm việc nhóm, lập kế hoạch, viết báo cáo và thuyết trình trước đám đông”, PGS.TS Nguyễn Trọng Ngữ nhấn mạnh.
Tại Trường Cao đẳng Quảng Nam, chia sẻ của ThS Nguyễn Anh Dũng, chương trình học của ngành Chăn nuôi – Thú y gồm 30% lý thuyết, 70% thực hành, thực tế. Sinh viên được tham quan học tập, trải nghiệm thực tế và làm việc tại các trang trại nên khi vào việc sẽ không bỡ ngỡ, thậm chí nhiều em có chuyên môn vững vàng sau kỳ thực tập. Đó chính là yếu tố then chốt tạo nên thành công trong đào tạo ngành Chăn nuôi – Thú y của trường.
Để xóa bỏ quan điểm của người trẻ về ngành học cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, theo ThS Dũng, thời gian tới trường tiếp tục kết nối doanh nghiệp, khuyến khích và tạo cơ chế cho doanh nghiệp về trường tuyển dụng sinh viên, đảm bảo chất lượng đầu ra.
Cùng với đó, trường sẽ đổi mới phương thức đào tạo, tuyển sinh, có chính sách hỗ trợ học bổng cho sinh viên. “Đặc biệt, trường có học bổng toàn khóa học cho sinh viên nghèo. Bên cạnh đó cam kết có việc làm sau khi ra trường cho tất cả sinh viên khi theo học ngành này”, ThS Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh.
PGS.TS Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam cho hay, quá trình hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm giữa nhà trường và Công ty cổ phần Chăn nuôi GreenFeed Việt Nam trong chương trình “Hạt giống tài năng” thời gian qua có tiến triển vượt bậc. Đặc biệt, số sinh viên trong chương trình qua thời gian thực tập tại công ty khá thạo việc. Khi ra trường, các em được công ty tiếp nhận và hưởng mức lương khởi điểm bậc 2.