Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: TG |
Tiết kiệm cho gia đình và xã hội
Số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm hơn so với năm trước, nhưng thể hiện thực chất, thực lực của thí sinh. Nhìn nhận vấn đề trên, GS.TS Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - cho hay: Khi nhận kết quả tốt nghiệp THPT, các em biết mình đang ở đâu và nhận thấy không đủ khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học nên không đăng ký trên Hệ thống. Ngoài ra, cũng không ít thí sinh quyết định đi du học… Điều này cũng giảm được công sức, lệ phí xét tuyển không cần thiết và tiết kiệm lớn cho xã hội.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) – cho hay: Bộ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT và phân tích theo vùng miền… đối với số lượng hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.
Nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố, thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý. Bởi hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là gần 442.000 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên hơn 500.000 thí sinh.
Trước ý kiến cho rằng, gần 1/3 thí sinh không nhập nguyện vọng lên Hệ thống chính là “tỷ lệ ảo”, gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh; PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đây không phải tỷ lệ ảo, mà giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh. Con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học.
“Việc Hệ thống của Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp “giảm ảo” rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học/khó có khả năng đỗ đại học sẽ càng rối và khiến các trường càng khó xác định đúng số lượng thí sinh có khả năng nhập học” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy thông tin, kể từ thời điểm Bộ GD&ĐT đã mở lại Hệ thống, hầu hết thí sinh chỉ vào sửa nguyện vọng đã đăng ký. Một số em sửa những sai sót vì vẫn còn những điểm chưa được hoàn thiện của giai đoạn trước.