(GDTĐ) - Nhân kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (1/1/2004 – 1/1/2024), Tỉnh uỷ Lai Châu ra mắt bộ Văn kiện Đảng bộ tỉnh Lai Châu toàn tập, bộ Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu 1949 – 2020.
Thực hiện Kết luận số 224-KL/Tu của Tỉnh uỷ về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, biên soạn Bộ Văn kiện Đảng bộ toàn tập và Bộ Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1949 – 2020 nhằm hệ thống lại những sự kiện, nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ lịch sử.
Trong quá trình triển khai sưu tầm tài liệu, biên soạn 2 bộ sách, tỉnh Lai Châu đã thu thập hơn 43 nghìn trang tài liệu và gần 3 nghìn số báo; tổ chức 6 hội nghị góp ý vào dự thảo với 130 ý kiến tâm huyết của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhà nghiên cứu lịch sử.
Bộ Văn kiện Đảng bộ toàn tập gồm 18 tập với gần 18.000 trang. Mỗi tập Văn kiện gồm lời giới thiệu và nội dung văn kiện về Hội nghị Ban Chấp hành, các cuộc họp Ban Thường vụ; các chỉ thị, nghị quyết, quy định, thông báo, kết luận, chương trình hành động, kế hoạch, đề án, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khoá I đến khoá XIII.
Bộ Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu gồm 2 tập: Tập 1 (giai đoạn 1949 - 2003) gồm 968 sự kiện; Tập 2 (giai đoạn 2004 - 2020) gồm 906 sự kiện; nội dung tập trung trình bày, tái hiện các sự kiện quan trọng của Đảng bộ tỉnh từ khi thành lập năm 1949 đến hết năm 2020.
Đây là 2 công trình khoa học đồ sộ thể hiện tư duy lý luận, tư duy lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trong hơn 70 năm xây dựng và trưởng thành.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt 2 bộ sách, đồng chí Vũ Mạnh Hà - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng, biên soạn bộ Văn kiện Đảng bộ toàn tập và bộ Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1949 - 2020 đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền về 2 bộ sách với nhiều hình thức phù hợp.
Các huyện uỷ, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc cần sớm đưa việc tuyên truyền, giới thiệu nội dung cốt lõi của 2 bộ sách vào trong sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ, sinh hoạt chuyên đề.
Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị các huyện, thành phố, các trường học nghiên cứu, biên soạn tài liệu giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương đưa vào giảng dạy trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Bổ sung 2 bộ sách vào phòng truyền thống của Đảng bộ tỉnh làm tốt công tác lưu trữ, bảo quản… để phổ cập tới người dân đọc và nghiên cứu.