Vua y theo lời bàn này, rồi sai đổi bổ tướng Phạm Văn Điển làm Thống chế Kinh tượng, Lê Phục Tấn làm Phó vệ úy vệ Kinh tượng nhất, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Quảng Trị, Quảng Nam và Quảng Bình, Hồ Văn Đa làm Vệ úy vệ Kinh Tượng nhị, vẫn chuyên quản các tượng cơ Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận và Gia Định, Nguyễn Văn Thị làm Vệ úy Kinh tượng tam, vẫn chuyên quản các tượng cơ ở Nghệ An, Thanh Hoa, Ninh Bình và Bắc Thành.
Cũng năm 1829, khi vua Minh Mạng sai đắp thành cho các phủ, huyện ở miền Bắc, lấy trấn Sơn Nam làm thử, đầu tiên là đắp thành phủ Lý Nhân và thành 3 huyện Duy Tiên, Nam Xang, Thanh Liêm thuộc trấn Sơn Nam, thì quy mô mỗi thành ở cấp phủ, ngoài nhà công đường, nhà kho, kho thuốc súng, nhà binh, nhà ngục, còn có thêm xưởng voi. Như vậy cơ cấu tượng binh ở trấn đã phân bố đơn vị nhỏ xuống tận cấp phủ.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), các bộ tộc thiểu số ở miền núi phía Tây Quảng Nam (sử triều Nguyễn gọi là “ác man”) lén xuống nguồn Chiêu Đàn giết hại nhân dân, đốt nhà, cướp của rồi trốn đi. Hiệp trấn Phan Thanh Giản được tin báo, lập tức đem 200 biền binh thuộc trấn, 5 thớt voi, và mang theo Phó vệ úy đóng giữ đài An Hải là Lê Văn Hiếu, tiến thẳng đến đồn nguồn Chiêu Đàn tuỳ cơ dò bắt.
Việc tâu lên, vua sai Vệ úy ở Kinh tượng Nhất vệ là Lê Văn Thuỵ, và thự Phó vệ úy ở Long võ tiền vệ là Phạm Văn Tường chạy ngựa trạm đi điều thêm binh và voi cùng theo đi tiễu. Hiệp trấn Quảng Nam Phan Thanh Giản phân công Vệ úy Lê Văn Thuỵ cai quản hơn 100 tượng binh và 10 thớt voi đóng ở đồn Viên Thuỷ (thuộc đất man Tà Vang) để trấn giữ biên giới.
Khi quân triều Nguyễn bảo hộ Chân Lạp, đóng ở thành Trấn Tây, năm 1836, vua Minh Mạng lệnh cắt cử tượng binh trong vệ Kinh tượng và cơ Định tượng thuộc Bình Định gộp với tượng binh ở thành (Trấn Tây) đặt làm 2 đội Nhất, Nhị thuộc tượng cơ, với số voi là 40 con.
Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839), triều Nguyễn đặt lại cơ cấu tượng binh ở Kinh và các tỉnh ngoài. Theo đó, ở Kinh có 105 thớt voi, voi đực mỗi thớt 10 người cưỡi chăn, voi cái mỗi thớt 5 người cưỡi chăn; tượng binh 3 vệ nhất, nhị, tam vẫn để nguyên ngạch như cũ. Còn các tỉnh thì voi đực mỗi thớt 4 người cưỡi chăn, voi cái mỗi thớt 2 người cưỡi chăn.
Số voi ở các cơ đóng ở các tỉnh lần lượt từ ít đến nhiều theo quy mô diện tích, dân số các tỉnh, từ 6 thớt (Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Biên Hòa…), tăng lên 10 thớt (Gia Định, Thanh Hóa, Bắc Ninh), 13 thớt (Hà Nội, Nghệ An), 15 thớt (Quảng Bình, Quảng Ngãi...), riêng thành Trấn Tây vẫn là 40 thớt.