Trong thư, bà Diễm viết "Hướng tới mục tiêu "Đồng hành cùng phát triển" chúng tôi mong muốn được chia sẻ cùng quý khách hàng trong mọi giai đoạn của cuộc đời, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua gói sản phẩm dịch vụ bảo hiểm ưu việt nhất. Xin gửi tới Quý khách hàng lời cảm ơn chân thành nhất, và kính chúc Quý khách hàng cùng gia đình nhiều sức khỏe, an khang và thịnh vượng".
Lời cảm ơn và chúc khách hàng An Khang - Thịnh Vượng của bà Nguyễn Đức Thạch Diễm đến với gia đình ông Đinh Văn C. vừa tròn một năm thì... vợ chồng ông bị mất nhà!
Bỏ rơi bạn đồng hành
Thời điểm hiện tại, gia đình ông C., bà H. đã phải tất toán toàn bộ khoản vay 2,7 tỷ đồng nói trên cho Sacombank chi nhánh Nam Định sau đúng 1 năm xác lập hợp đồng tín dụng.
Gia đình ông C. chưa thu hoạch được thủy sản đang nuôi thả trong đầm. Việc sản xuất, nuôi cá mú của ông C. cũng đang gặp khó khăn do những nguyên nhân khách quan của điều kiện tự nhiên, thời tiết, khí hậu... vì vậy gia đình mong muốn được giãn nợ, kéo dài thời hạn khoản vay.
Tuy nhiên, cán bộ tín dụng của ngân hàng Sacombank lại hướng dẫn cho khách hàng làm thủ tục "đáo hạn" khoản vay với lời hứa nếu khách hàng nộp tiền trả nợ đúng hạn sẽ cho vay lại. Để tạo niềm tin, cán bộ tín dụng này còn lập hẳn Tờ trình cho vay gói mới và đưa lãnh đạo đến gặp khách hàng.
Tin tưởng "tình cảm" sâu nặng của Tổng Giám đốc Sacombank từng gửi gắm trong thư, vợ chồng ông Đinh Văn C. đã mạnh dạn đi vay nặng lãi bên ngoài để nộp trả ngân hàng với hy vọng chỉ vài hôm sau sẽ được vay lại. Nhưng cán bộ ngân hàng Sacombank không thực hiện lời hứa!....
Gia đình ông C. lâm vào tình thế bí bách nên đã buộc phải bán nhà đi để trả nợ cho khoản vay bên ngoài. Cũng không thể tiếp tục duy trì gói bảo hiểm nhân thọ. Lại mất thêm khoản tiền 70 triệu đồng.
Khi tiếp nhận nội dung vụ việc, PV Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã thông tin với đại diện của Sacombank. Đại diện này cho biết đã báo cáo Ban lãnh đạo để Sacombank chi nhánh Nam Định có giải trình về sự việc, đồng thời sẽ có phản hồi trở lại đối với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tại huyện Nghĩa Hưng, huyện ven biển của tỉnh Nam Định, số lượng các hộ nuôi trồng thủy sản ven biển rất lớn, đồng thời có rất nhiều hộ dân có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình. Gia đình ông C., bà H. có phải là trường hợp duy nhất bị ép buộc phải mua hợp đồng Bảo hiểm Nhân thọ thì mới được giải ngân vốn vay hay không?
Phớt lờ chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước
Thời điểm Sacombank chi nhánh Nam Định tiến hành thực hiện thủ tục hợp đồng tín dụng với vợ chồng ông Đinh Văn C., bà Phan Thị H., Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 16/9/2022 đã ra văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nghiêm cấm bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm mới giải ngân khi vay vốn.
Cụ thể, NHNN cho biết, qua công tác theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm 2022, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022, Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH ngày 04/4/2022, Công văn số 4148/NHNN-TTGSNH ngày 22/6/2022, Công văn số 642/NHNN-TTGSNH ngày 17/8/2022 và các văn bản chỉ đạo có liên quan khác.
Trước phản ánh về tình trạng một số nhân viên ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn (như chỉ giải ngân khi mua thêm gói bảo hiểm nhân thọ), Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo rà soát toàn hệ thống, xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng cho khách hàng, bảo đảm phê duyệt hồ sơ, giải ngân cho khách hàng đúng quy định.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các ngân hàng trên địa bàn; lồng ghép nội dung thanh tra việc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động này vào kế hoạch thanh tra hằng năm./.