Thị trường vắng bóng căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xây dựng – thương mại Lê Thành, thông tin giá nhà ở Việt Nam không cao hơn ở Thái Lan, Malaysia nhưng so với thu nhập của người dân thì quá cao. Trong khi đó, giá bán tùy thuộc vào thị trường và mong muốn lãi của chủ đầu tư.
"Nếu nguồn cung cao hơn nhu cầu thì thị trường sẽ tự điều tiết, giá nhà giảm. Nếu dự án kéo dài từ 5 năm xuống còn 3 năm thì sản phẩm sớm ra thị trường và doanh nghiệp cũng sẽ giảm lợi nhuận. Vì vậy cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý cho dự án để tăng nguồn cung, thị trường sôi động thì giá nhà sẽ giảm" – ông Lê Hữu Nghĩa nói.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cao cấp bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao thì nguyên nhân lớn nhất 10 năm nay là vấn đề pháp lý dự án. Điều này dẫn đến giá nhà cao hơn thu nhập người dân, cao hơn giá trị thật.
"Giá nhà dưới 25 triệu đồng/m2 đã là lịch sử. Nhìn bức tranh lớn thì doanh nghiệp cũng khổ, người dân cũng khổ" – ông Sử Ngọc Khương nói, đồng thời cho hay để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản nhà ở cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, nói với bảng lương hiện nay thì không biết bao nhiêu năm, người dân mới mua được nhà.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cũng thừa nhận thiếu nguồn cung nhà. Theo ông, nguồn vốn vay tín dụng đang khó khăn, pháp lý dự án còn vướng mắc… nên cần giải pháp tổng hợp.
Theo đó, cần điều chỉnh cơ chế, chính sách liên quan phát triển nhà ở; tiếp tục tháo gỡ pháp lý cho các dự án; chủ đầu tư nên có chính sách bán hàng hợp lý; điều chỉnh cơ cấu căn hộ để phù hợp với thu nhập người dân; cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian đầu tư dự án… Ngoài ra, hiện nay lãi suất tín dụng vẫn còn, cần chính sách giảm lãi suất cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.