Tùy theo từng cấp học, lễ khai giảng sẽ có chương trình và đặc thù riêng.
Đối với giáo dục mầm non, triển khai tổ chức ngày hội "Bé vui đến trường". Trong đó, tập trung các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú, phù hợp từng đơn vị; tận dụng không gian để bố trí các hoạt động như: trò chơi vận động, hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối… tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho trẻ.
Đối với giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT), Sở GD-ĐT TP HCM yêu cầu 100% học sinh tham dự lễ khai giảng. Trường không đủ điều kiện thì phải đảm bảo 100% học sinh đầu cấp, cuối cấp tham dự phần lễ, nhưng phải đảm bảo 100% học sinh được tham dự phần hội chào đón năm học mới.
Theo Sở GD-ĐT, tính đến ngày 28-8, TP HCM đã cung ứng đủ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh tiểu học và trung học. Đối với học sinh khó khăn, học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, Sở GD-ĐT TP đã phối hợp vận động được 21.217 bộ SGK. Ngoài ra, sở đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tặng 10.200 bộ SGK mới (tiểu học 5.500, THCS 3.300, THPT 1.400). Số sách này đã được gửi tới các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Tính đến ngày 28-8, Sở GD-ĐT TP đã hoàn thành tuyển dụng đợt 1 với 165 vị trí giáo viên. 12 quận, huyện đã hoàn thành tuyển dụng viên chức năm học 2023-2024 (các quận 1, 3, 7, 8, 12, Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn), trong đó 1.243 thí sinh trúng tuyển vị trí giáo viên.
Riêng TP Thủ Đức và một số quận, huyện đang trong thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng, chờ báo cáo kết quả. Năm học 2023-2024, ngành GD-ĐT TP HCM cần tuyển 4.717 giáo viên.