TPHCM nêu nhiều kiến nghị để triển khai tốt Chương trình mới

Anh Tú | 27/03/2023, 17:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 27/3, Đoàn giám sát của UBTVQH đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc triển khai đổi mới sách giáo khoa, chương trình GDPT mới.

Nguồn lực dành cho giáo dục là rất lớn

Thông tin về nguồn lực tài chính TPHCM dành cho giáo dục, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong giai đoạn 2014-2018 vốn TP bố trí cho giáo dục là trên 54.000 tỉ đồng, tới giai đoạn 2019-2023 ngân sách TP bố trí cho giáo dục tăng vọt lên tới 174.000 tỉ đồng (tăng 69%).

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết: TP luôn nhận thức sâu sắc về công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó đổi mới chương trình, SGK cần được thực hiện một cách toàn diện nhằm hướng tới sự thay đổi lớn.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, những đặc điểm đặc thù của TP khi triển khai chương trình GDPT mới là rất lớn. Bởi một năm ngoài việc dân số tăng khoảng 200.000 dân, cùng hơn 40.000 học sinh thì TP còn phải đối mặt với nhiều chính sách an sinh xã hội chung. Chỉ tính riêng con số trên đã là một thách thức, khi việc chăm lo cho dân số TP còn chưa hoàn thành, việc chăm lo thêm cho nhiều người dân về TP sinh sống, làm việc là một áp lực không nhỏ.

"Nhằm đáp ứng cho việc gia tăng học sinh như trên, TP vẫn luôn xây dựng kế hoạch dài hạn trong đó đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng. Muốn có đủ giáo viên thì cần phải có chính sách thu hút, hỗ trợ để giáo viên yêu nghề, bám nghề, sống được với nghề.

Tuy nhiên, vấn đề trên hiện nay vẫn chưa thực hiện được và còn nhiều điểm nghẽn. Do đó, TP mong muốn Trung ương, Chính phủ và Quốc hội xem xét giao cho TP chủ động, thí điểm ban hành và thực hiện các chính sách (nội dung Nghị quyết 31 cho phép địa phương thí điểm thực hiện). Để huy động các nguồn lực cho giáo dục phải có chính sách" - ông Nên nêu ý kiến.

TPHCM nêu nhiều kiến nghị để triển khai tốt Chương trình mới ảnh 2

GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu kiến nghị các giải pháp đào tạo giáo viên tại hội nghị.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội ghi nhận những thành tựu mà TP đã đạt được cùng những thách thức và khó khăn mà TP đang đối mặt. Tuy vậy, TP phải nghiên cứu kỹ Nghị quyết 88 trong đó có bao nhiêu nội dung TP đã thực hiện được.

"Những gì đang làm, đã làm và chưa làm, nguyên nhân vì sao. Đợt làm việc này có giám sát, có phản biện để giải quyết các vấn đề mà xã hội quan tâm. SGK một bộ hay nhiều bộ, chiết khấu cho sách giáo khoa ra sao, số lượng trường lớp, học sinh trong từng lớp, từng trường quá tải thế nào..., phải thống kê và nói rõ khi thực hiện chương trình GDPT mới để có cái nhìn tổng thể về bức tranh chung." - ông Mẫn đề nghị

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị TPHCM cần nghiên cứu kỹ các văn bản của Đảng và Nhà nước. Những gì đã rõ mà làm chưa tới thì không nên đề xuất. Nên phân định nhóm kiến nghị, việc nào là Quốc hội, việc nào là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc gì thuộc về UBND TP thì để Ủy ban giải quyết, tháo gỡ.

"Theo báo cáo, TP quyết tâm giai đoạn tới sẽ xây dựng 575 phòng học với số tiền hơn 1.300 tỉ đồng, đây là sự nỗ lực và quyết tâm lớn của TP. Ngoài cơ sở vật chất, chúng ta cần quan tâm việc giáo viên dạy các môn học mới thiếu bao nhiêu để việc bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ trong thời gian tới không lúng túng" - ông Mẫn nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị TP rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn TP để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. TPHCM cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục.

Đặc biệt cần đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60 và Nghị định số 32 của Chính phủ.

TPHCM nêu nhiều kiến nghị để triển khai tốt Chương trình mới ảnh 3

Học sinh TPHCM trong một giờ học

"TPHCM cần tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để nhân dân hiểu hơn, từ đó đồng thuận, chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn cho ngành giáo dục.

Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” gắn với các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động; coi thi đua là động lực để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay." - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tphcm-neu-nhieu-kien-nghi-de-trien-khai-tot-chuong-trinh-moi-post631878.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tphcm-neu-nhieu-kien-nghi-de-trien-khai-tot-chuong-trinh-moi-post631878.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TPHCM nêu nhiều kiến nghị để triển khai tốt Chương trình mới