Trách nhiệm với việc học

Dương Cầm | 28/09/2022, 06:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy một vấn đề rất nan giải mà ít phụ huynh quan tâm đến, đó là “trách nhiệm với việc học của học sinh”.

Học có trách nhiệm

Chúng ta thường quan tâm đến cơ sở vật chất của nhà trường, chương trình học tập, chọn thầy, chọn cô… Có đôi lúc, chúng ta đòi hỏi hoặc buông xuôi “trăm sự nhờ thầy”. Nhưng thật sự, hãy chiêm nghiệm từ chính bản thân mình. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng “nào ai có thể học thay con của chúng ta, nếu chúng không có trách nhiệm với việc học của chúng, thì giá trị của việc học nào còn có ý nghĩa!”.

Nay tôi nói lên một vài điều về ý nghĩa của trách nhiệm với việc học.

1. Những gì trẻ cần học: Học tự chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, học làm, học sống... Học kiến thức chỉ là phần nhỏ.

2. Tự học là quan trọng nhất. Ngừng học là sẽ quên đi, sẽ mất đi vốn liếng kiến thức, kĩ năng... mà bấy lâu tích lũy. Khi bắt đầu lại không dễ chút nào.

3. Học bằng nhiều cách. Giờ đây phải tìm đến cách học mới. Không có thầy cô thì phụ huynh phải gánh lấy trách nhiệm này. Nếu bỏ mặc thì con/cháu/em của chúng ta sẽ: Chơi vô tổ chức dẫn đến Hư; ỷ lại, ì trệ dẫn đến sức khỏe sa sút... Mất cân bằng cái gì thì không chỉ hỏng cái đó. Người lớn giám sát việc học của con em mình.

Hãy duy trì việc học, tự học, lao động... Tôi sốt ruột lắm vì đi ngang qua quán “nét” thấy bao nhiêu bạn nhỏ vẫn cắm mặt vào màn hình chơi game. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp đau xót nhìn/đọc những comment tồi tệ trên trang fanpage của một đài truyền hình khi họ phát lại các bài học trên truyền hình. Đó không chỉ biểu hiện thái độ xấu, mà còn cho thấy việc học đã không được giám sát. Những cháu nhỏ đang dán mắt vào màn hình tivi, điện thoại, uể oải tập thể dục, uể oải lao động... Chúng đang nghỉ học và nghỉ luôn trách nhiệm với việc học, việc rèn luyện bản thân.

Trách nhiệm với việc học ảnh 1

Trẻ vị thành niên có thể khẳng định bản thân thông qua hoạt động cộng đồng. Ảnh minh họa

Dùng thời gian cho những gì tích cực

Tôi muốn nói, chúng ta đều có thể thay đổi: Bản thân mình để Khỏe, để Thân thiện, để Vui với cuộc sống xung quanh khi biết rằng chỉ cần mình tích cực, kiên trì thì gần như cuộc đời mỉm cười cùng thay đổi.

Chị gái tôi đã có một khu vườn tràn đầy hương thơm. Chị kể, thỉnh thoảng lũ sâu, lũ bọ cũng ăn, cũng phá những cây hồng, nhưng chị kiên trì bắt sâu, tìm chất hữu cơ để diệt bọ. Hoa đã nở, nở thêm, không chỉ trong vườn, mà còn trong mắt, trong lòng những người bạn hàng ngày xem Facebook của chị.

Người bạn của tôi đã qua nửa đời người. Mỗi ngày nghĩ đến một điều tốt. Mỗi ngày viết một đôi dòng, có thể là một bài toán vui vui. Anh nói trước hết là để bản thân mình thư giãn, tập thể dục cho trí tuệ, rồi mới vui cho bạn bè.

Người bạn nữa của tôi đã sang tuổi xưa nay hiếm. Mỗi ngày dăm ba trang sách. Mỗi ngày nhắc tên từng người quen. Mỗi ngày tự vệ sinh cho não, cho bản thân bằng cách nhắc bản thân không nghĩ những gì tiêu cực, không mắng chửi một ai.

Những người bạn trẻ của tôi. Bạn nói với tôi đang ở tầng dưới cùng trong tháp nhu cầu Maslow, vẫn lo ăn, lo mặc... Bạn lại nói với tôi: Ai cũng phải lo điều ấy cô ơi, nhưng theo cách nào, để bản thân cứ như ở trên đỉnh tháp.

Ai nói chúng ta có thể thay đổi thế giới, chúng ta sẽ nói họ đang làm quá lên. Nhưng nếu chúng ta biết rằng, thế giới ấy chẳng qua cũng chỉ nằm trong tầm mắt, nằm trong cách cảm nhận của bản thân mình, thì ắt hẳn chúng ta tự tin mà kiên trì thay đổi nó. Để chính chúng ta biết còn nhiều việc để làm, làm được. Để chính chúng ta biết còn có bao cơ hội, biết bao điều hay.

Hãy mở rộng tấm lòng. Mở rộng cánh cửa Nhà. Hôm nay trời rất đẹp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trách nhiệm với việc học