Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho biết: Mô hình giáo dục STEM dựa trên sự tiếp cận những kiến thức liên môn. Từ đó, giúp học sinh vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ, toán học để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống gắn liền với thực tế hàng ngày.
“Để thực hiện tốt hoạt động STEM, nhà trường xác định chủ đề, tiếp theo là sự phối kết hợp của phụ huynh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các con tham gia hoạt động trải nghiệm. Các bạn được sử dụng nguồn vật liệu tái chế để sáng tạo, tư duy, tạo ra những sản phẩm có ích theo ý mình”, cô Hà nói.
Học sinh tạo nên đèn trung thu từ vật liệu tái chế. |
Theo hiệu trưởng Bùi Minh Hiền, việc tổ chức các hoạt động giáo dục STEM thông qua trải nghiệm tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội để làm tốt hơn nữa công tác giáo dục và rèn kĩ năng sống cho học sinh.
Hoạt động trải nghiệm STEM đã tạo không khí sôi nổi, vui tươi, dành cho các em những phút giây thoải mái, những trải nghiệm vô cùng lí thú và bổ ích, tạo môi trường để các em giao lưu, học hỏi, thỏa sức sáng tạo, trau dồi kỹ năng giao tiếp, từ đó nỗ lực cố gắng trong học tập.
Việc đưa giáo dục STEM vào trường học giúp các em thỏa sức khám phá, nghiên cứu khoa học. |
Đây cũng là dịp để các giáo viên tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, kĩ thuật dạy học tích cực trong Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, phát huy năng lực sáng tạo, kỹ năng hoạt động tập thể nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời, hình thành và phát triển những kỹ năng sống cho học sinh trong trường học.
Các học sinh sẽ trình bày sản phẩm sáng tạo của mình. |
“Hoạt động trải nghiệm STEM là hoạt động thật sự bổ ích giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ và đặc biệt giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn, phát triển phẩm chất và năng lực đúng theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô hiệu trưởng nhấn mạnh.