Số lượng bể bơi cố định tại cộng đồng chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh giải trí, học sinh, sinh viên ít có điều kiện đến tập. Số bể bơi di động phục vụ công tác dạy bơi cho học sinh tại các đơn vị, trường học còn rất ít. Phần lớn học sinh biết bơi tự phát, các em được bố mẹ đầu tư cho học bơi chủ yếu ở khu vực trung tâm nhưng chiếm tỷ lệ thấp.
Chia sẻ về khó khăn của địa phương, ông Nguyễn Tấn Lộc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT An Giang, trăn trở: Dù công tác phổ cập bơi được lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo kịp thời, nhưng đuối nước vẫn xảy ra đối với học sinh phổ thông; trong khi đó việc dạy bơi trong trường học còn hạn chế bởi thiếu bể bơi.
Công tác xã hội hóa để duy trì hoạt động của các hồ bơi đã thực hiện và bước đầu đạt kết quả; tuy nhiên, phần kinh phí đó chưa đủ để duy trì hoạt động một cách tốt nhất của hồ bơi, nhất là việc mua thuốc khử, thay nước và các vật dụng khác khi cần thiết. Một bộ phận phụ huynh học sinh, nhất là vùng nông thôn, khó khăn, dân tộc, miền núi... chưa ý thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của phổ cập, tập bơi; từ đó ít quan tâm đến việc cho con tham gia các khóa, lớp học bơi của ngành Giáo dục, địa phương tổ chức.
Trung tâm Thể thao TP Châu Đốc, An Giang tổ chức lớp bơi lội cộng đồng, do giáo viên dạy ngoài trường. |
“Sở GD&ĐT phối hợp với Sở VH-TT&DL tiến hành khảo sát thực trạng hoạt động dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong các trường phổ thông; từ đó khắc phục kịp thời hạn chế và tìm ra giải pháp cho thời gian tới. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành và tổ chức chính trị xã hội có liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền; các cuộc thi, hội thi; bồi dưỡng, tập huấn; kiểm tra, đánh giá...
Tổ chức tuyên truyền điểm tại một số cơ sở giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh và trẻ em về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục đưa nội dung, chương trình, tài liệu bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào chương trình môn học giáo dục thể chất phần tự chọn…”, bà Nguyễn Thúy Hà chia sẻ.
Chia sẻ về giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp, bà Nguyễn Thúy Hà, thông tin: Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này cho năm 2023. Thời gian triển khai từ tháng 4 - 12/2023.
Theo đó, một trong những chỉ tiêu đặt ra là giảm ít nhất 10% số học sinh bị tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông. Trường mầm non khuyến khích có trẻ biết bơi. Trường tiểu học trẻ biết bơi đạt trên 75% (năm 2022 tỷ lệ này là 62,01%); trường THCS hoặc có cấp học THCS đạt 90% (năm 2022 đạt tỷ lệ 85,81%); trường THPT trên 95% (năm 2022 đạt 93,62%)...
Để đạt mục tiêu này, Sở GD&ĐT đặt ra các giải pháp đồng bộ; từ công tác quán triệt, tuyên truyền; xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; đến công tác phối hợp với các cơ quan liên quan và tăng cường thực hiện Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước.
Liên tục từ năm 2017 đến nay, ngành Giáo dục huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) có các giải pháp, phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy học bơi cho học sinh. Theo đó có hơn 9.000 học sinh lớp 5 được Phòng GD&ĐT tổ chức phổ cập bơi, qua đó góp phần trong công tác phòng chống tai nạn đuối nước. Riêng năm học 2022 - 2023, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện tổ chức dạy bơi cho 1.213 học sinh của 22 trường tiểu học toàn huyện, là năm đầu tiên với chủ trương xã hội hóa công tác dạy - học bơi có sự đóng góp của học sinh.
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, cho rằng: Điều quan trọng trước tiên là sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ của Phòng GD&ĐT với các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn; sự vào cuộc tích cực từ nhà trường, quan tâm của phụ huynh và tinh thần trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn bơi. Kết quả địa phương đạt được cũng nhờ chú trọng giao và gắn trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng nhà trường trong công tác phổ cập bơi.
Cùng đó, đánh giá công tác thi đua và kịp thời tuyên dương tập thể, cá nhân làm tốt phong trào; đưa vào tiêu chí bắt buộc khi học sinh tốt nghiệp tiểu học. Công tác tổ chức phải đồng bộ, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh trước, trong và sau các buổi học bơi; các chế độ thông tin báo cáo cập nhật tình hình, tiếp thu ý kiến và điều chỉnh công tác tổ chức... góp phần nâng cao chất lượng dạy - học bơi.
Kế hoạch công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em, học sinh năm 2023 cũng được Sở GD&ĐT Phú Thọ ban hành. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phùng Quốc Lập, một trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra là xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp điều kiện thực tế. Đưa nội dung giáo dục về phòng chống tai nạn đuối nước vào chương trình giáo dục chính khóa và tổ chức lồng ghép, tích hợp trong các hoạt động giáo dục ngoại khóa... phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý học sinh các cấp, bậc học...
“Từ tháng 4/2023 đến trước khi học sinh nghỉ hè và thời gian đầu năm học mới 2023 - 2024 là đợt cao điểm ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn đuối nước, đảm bảo an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh. Sở GD&ĐT cũng phối hợp với các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước và cảnh báo kịp thời...”. - Ông Phùng Quốc Lập Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ