Từ năm học 2022 - 2023, khi học sinh trúng tuyển lớp 10 và bắt đầu nhập học, công tác tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học cần được đẩy mạnh. Nếu học sinh chọn lựa tổ hợp môn không chuẩn, sẽ rất khó “quay đầu”, nhất là với những em thay đổi định hướng.

Định hướng từ sớm

Học sinh lớp 10 trước đây học đều các môn đến lớp 12, có thể đăng ký, thay đổi nguyện vọng về khối thi. Nhưng từ năm học 2022 – 2023, nếu chọn lựa tổ hợp môn không chuẩn, sẽ rất khó “quay đầu” bởi lựa chọn tổ hợp môn học từ lớp 10 đồng nghĩa với hướng nghiệp, chọn nghề sớm. Tuy nhiên, thực tế có em khi học rồi mới biết đã lựa chọn nhầm. Để giúp học sinh, bên cạnh chủ động việc tư vấn, hỗ trợ từ sớm, nhà trường cần chuẩn bị các giải pháp để giúp trò lựa chọn lại.

Theo các phụ huynh, lựa chọn tổ hợp môn học của học sinh trước thềm lớp 10 hiện nay có chút xáo trộn. Đặc biệt là việc lựa chọn tổ hợp môn học gắn liền 3 năm học THPT và phục vụ cho việc xét vào đại học sau này. Chị Lê Thị Bé Duyên, phụ huynh ngụ quận Cái Răng (TP Cần Thơ), chia sẻ: “Tôi băn khoăn vì không biết ba năm nữa con sẽ thi tốt nghiệp THPT như thế nào? Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh có còn giữ các khối A, A1, B, C... hay không? Tôi hiểu việc chọn tổ hợp môn từ lớp 10, tức trẻ phải theo tổ hợp đó đến hết lớp 12 nên có chút lo lắng”.

Sau khi họp phụ huynh, chị Nguyễn Thùy Trang, phụ huynh ngụ quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), cho biết: “Năm nay, con chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên nhưng hết lớp 10 cháu thấy không hợp và có nguyện vọng chuyển sang lớp Khoa học xã hội thì sao? Giáo viên trường THPT đã tư vấn được phép chuyển lớp nhưng phải đảm bảo đạt trình độ từ trung bình trở lên các môn của lớp Khoa học xã hội”.

Chia sẻ về việc học sinh chọn nhầm tổ hợp môn, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TP Cần Thơ), chỉ ra một số nguyên nhân: Chọn nhầm tổ hợp môn trước tiên là do học sinh và cha mẹ học sinh không hiểu rõ Chương trình GDPT 2018; nhất là việc chọn lựa các môn học. Kế tiếp là các em, gia đình nghe tư vấn nhưng hiệu quả không như mong đợi. Nội dung tư vấn Chương trình GDPT 2018 nhiều, khó hiểu nếu trường báo cáo toàn văn. Bên cạnh đó, việc không hiểu hết vai trò của những môn học này đối với việc định hướng thi đại học, ngành nghề sau này… có thể xảy ra với cả người thực hiện tư vấn lẫn được tư vấn.

Thầy Bằng cũng nêu một số khó khăn trong lựa chọn tổ hợp môn lớp 10 tại trường như số lượng học sinh đăng ký các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật quá nhiều (70%), số lượng giáo viên hiện có không đáp ứng đủ. Trong khi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học được đăng ký ít (30%). Hướng khắc phục là nhà trường tư vấn cho phụ huynh, học sinh lần thứ 3 (sau khi xếp lớp) để cân nhắc, điều chỉnh theo định hướng của nhà trường.

Tránh 'quay xe'! ảnh 1

Công tác tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10 cần phải được đẩy mạnh.

Cân nhắc thật kỹ

Để tháo gỡ khó khăn, các trường THPT ở TP Cần Thơ chủ động hỗ trợ và tư vấn giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10. Các trường đã chủ động xây dựng giải pháp lựa chọn môn học mới không gây xáo trộn và ổn định tâm lý học sinh và phụ huynh. Theo cán bộ quản lý và giáo viên, học sinh có thể đổi tổ hợp môn nếu thấy không phù hợp. Tuy nhiên, rất khó để các em có thể theo kịp kiến thức. Vì thế, tại buổi tư vấn, học sinh lẫn phụ huynh đều được khuyên cần cân nhắc thật kỹ.

Theo thầy Tăng Văn Chín, Hiệu trưởng Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), để tránh xáo trộn trong việc đăng ký và lựa chọn môn học mới, nhà trường xây dựng 3 nguyện vọng ưu tiên theo từng tổ hợp môn học lựa chọn. Trong đó, nhà trường sẽ căn cứ vào điểm môn Toán đối với các tổ hợp Khoa học tự nhiên và điểm môn Văn đối với tổ hợp Khoa học xã hội để ưu tiên xét tuyển vào các lớp theo thứ tự nguyện vọng. Để học sinh, cha mẹ hiểu rõ chọn lựa các môn học, nhà trường tư vấn sớm và tư vấn nhiều lần để có thời gian suy nghĩ, tìm hiểu, nâng cao nhận thức.

Về giải pháp, khi học sinh chọn nhầm tổ hợp môn học, thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng đưa ra gợi ý, trước tiên nhà trường tư vấn sớm, tư vấn nhiều lần để học sinh, cha mẹ học sinh có thời gian suy nghĩ, tìm hiểu, nâng cao nhận thức. Việc tư vấn không thể giao khoán cho các trường THCS vì không nắm rõ Chương trình GDPT 2018 ở cấp THPT. Do đó, các trường THPT tư vấn cho cha mẹ học sinh, học sinh dự tuyển vào trường là hiệu quả nhất. Nhà trường biên soạn những tờ rơi thông tin tóm tắt, trọng yếu của nội dung tư vấn để phát cho học sinh và phụ huynh, khuyến khích sự tương tác.

Đối với việc tư vấn, theo thầy Bằng, người tư vấn là lãnh đạo trường, phải hiểu thật rõ Chương trình GDPT 2018 và tư vấn trọng tâm, trọng điểm bằng ngôn ngữ dễ hiểu để học sinh, cha mẹ học sinh hiểu đúng, hiểu đủ; chủ động nêu ra những tình huống thắc mắc để giải đáp.

Tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), để tránh trường hợp học sinh sau khi học phải thay đổi nguyện vọng hay môn học, nhà trường tổ chức hơn 3 lần tư vấn định hướng lựa chọn môn học cho học sinh đăng ký thi tuyển sinh tại trường. Lần đầu là trước khi học sinh đăng ký tuyển sinh lớp 10, lần cuối là sau khi có kết quả trúng tuyển vào trường. Ngoài ra, nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên phụ trách chuyên môn phối hợp tổ chức tuyên truyền định hướng học tập cho học sinh và phụ huynh nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình mới, tránh tình trạng chọn lại sau khi học, ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Để giảm thiểu khả năng học sinh lựa chọn tổ hợp môn không chuẩn, nhà trường cùng với gia đình và giáo viên chủ nhiệm khối lớp 9 phối hợp tư vấn, tuyên truyền định hướng theo năng lực của học sinh. Từ đó, gia đình và các em lựa chọn đúng tổ hợp môn và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. - Thầy Nguyễn Lê Tuấn (Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ)

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh 'quay xe'!