Trao truyền yêu thương cho học sinh vùng khó

Bài, ảnh: Lường Toán | 11/05/2023, 11:24
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhà giáo Phạm Thanh Huyền nhiều năm qua cùng mạnh thường quân hỗ trợ trẻ em vùng khó...

Ám ảnh về những đứa nhỏ đi chân trần, ăn cơm nguội ngắt với rau rừng nơi vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), 5 năm qua, nhà giáo Phạm Thanh Huyền đã cùng mạnh thường quân hỗ trợ trẻ em vùng khó.

Tình yêu với đại ngàn

Chúng tôi gặp nhà giáo Phạm Thanh Huyền, Trường Tiểu học Ngọc Trung (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) vào buổi chiều muộn những ngày giữa tháng 4 tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Trong không khí oi bức đầu Hè, nữ nhà giáo vẫn mải mê dỗ dành cậu bé Nguyễn Gia Bảo, mới tròn 7 tháng tuổi mắc bệnh suy dinh dưỡng nặng.

Gia Bảo là người dân tộc Mường, quê ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc). Khi bé mới chào đời được vài tháng thì người mẹ bỏ đi, trong khi người bố đang cai nghiện ma túy. Vì vậy, cậu bé cùng anh trai mới hơn 1 tuổi phải nương tựa ông bà nội, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chứng kiến hoàn cảnh éo le của cậu bé Gia Bảo, cô Huyền đã chủ động kêu gọi mạnh thường quân chung tay hỗ trợ.

Nhà giáo Phạm Thanh Huyền bắt đầu hành trình thiện nguyện đến vùng cao từ những năm 2018. Mảnh đất đầu tiên mà nữ nhà giáo đặt chân trên hành trình vì cộng đồng của mình là huyện biên giới Mường Lát. Khi ấy Mường Lát vừa xảy ra trận lũ lịch sử gây thiệt hại nhiều nhà cửa, hoa màu, gia súc, nhiều điểm trường bị hư hỏng. Cuộc sống sau lũ của bà con nơi đây thiếu thốn trăm bề.

“Là người con Thanh Hóa, tôi nhận thấy mình cần làm điều gì đó cho những em nhỏ huyện biên giới xa xôi. Sau khi kêu gọi các mạnh thường quân chung tay mua sắm nhu yếu phẩm, sách vở, đồ dùng học tập... đoàn đã lên với Mường Lát”, cô Huyền chia sẻ.

Sinh ra ở Ngọc Lặc, cũng là một huyện miền núi song nữ nhà giáo không nghĩ rằng, cuộc sống của bà con huyện biên giới xa xôi của xứ Thanh lại khốn khổ đến vậy. Hình ảnh những xóm làng xơ xác sau khi con lũ tràn qua, những em nhỏ đi chân trần, khoác trên người bộ quần áo cũ kỹ, thậm chí có bé không mặc gì đã trở thành nỗi ám ảnh với nữ nhà giáo khi ấy.

Từ nỗi ám ảnh không nguôi ấy, cô Huyền quyết định trở lại mảnh đất này một năm sau. Cuối năm 2019, cô Huyền cùng các thành viên trong câu lạc bộ thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc đã lên bản Cánh Cộng (xã Trung Lý). Đây là một trong những nơi khó khăn nhất của Mường Lát khi đó, bởi địa hình trắc trở, điện chiếu sáng chưa có.

Những chuyến lên với Mường Lát sau này, cô Huyền và các bạn tình nguyện chủ yếu hỗ trợ đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày, sách vở, quần áo cho các bạn nhỏ đến trường. Đến bây giờ, các hoạt động này vẫn được duy trì, đặc biệt là xây dựng tủ truyện cho em.

“Tôi làm điều này vì muốn nâng cao văn hóa đọc cho các bạn nhỏ nơi đây. Từ việc đọc nhiều sẽ giúp các em phát triển ngôn ngữ. Vì vậy, sau mỗi năm học tôi thường gom sách giáo khoa, sưu tầm những cuốn truyện hay về thiếu nhi, đồ chơi, đồ dùng học tập... để mang tới các điểm trường vùng cao”, nữ giáo viên bày tỏ.

Trao truyền yêu thương cho học sinh vùng khó  ảnh 1

Nhà giáo Phạm Thanh Huyền thăm bé Gia Bảo tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Sống ý nghĩa hơn

Không chỉ đưa sách lên non, nhà giáo Phạm Thanh Huyền còn chia khó với vùng cao, với nhiều hoạt động ý nghĩa. Nữ giáo viên đã kêu gọi mạnh thường quân chung tay xây dựng bếp ăn, giếng nước cho em, dụng cụ học tập phục vụ cho hoạt động trải nghiệm...

Đặc biệt là dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” phối hợp với Đoàn khối ngân hàng TPHCM. Đến nay đã mở rộng tới 10 điểm trường, gồm: Điểm trường Ón, Lát (Trường Tiểu học Tam Chung); điểm trường Poọng và bản Ón (Trường Mầm non Tam Chung); điểm trường Lìn và Nà Ón của Trường Mầm non Trung Lý; điểm trường Nà Ón, Suối Hộc, Ma Hác, Pá Quăn thuộc Trường Tiểu học Trung Lý. Tổng số học sinh thụ hưởng từ dự án này lên tới 500 em.

Ngoài dự án nuôi em, câu lạc bộ thiện nguyện và hiến máu Ngọc Lặc do cô Huyền làm chủ nhiệm còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Cụ thể, chương trình cắt tóc miễn phí cho em, tặng suất cơm cho bệnh nhân chạy thận tại huyện Ngọc Lặc. Tổ chức chương trình Tết ấm cho em, hỗ trợ người già neo đơn, trẻ mồ côi...

“Có hai nơi khiến tôi luôn đau đáu được làm thiện nguyện đó là Mường Lát và Ngọc Lặc. Với tôi, Mường Lát như quê hương thứ hai của mình. Khi kết thúc mỗi chuyến thiện nguyện, tôi lại muốn trở lại mảnh đất này để làm thêm điều gì đó cho các bạn nhỏ nơi này”, cô Huyền bộc bạch.

Nhìn lại chặng đường thiện nguyện của mình, nữ nhà giáo cho biết: “5 năm đồng hành với vùng cao tuy chưa dài nhưng cũng không phải quá ngắn. Tôi chỉ mong sao có thể tiếp tục thực hiện nhiều dự án ý nghĩa hơn nữa cho mảnh đất này để thanh xuân của mình không có gì phải hối hận”.

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết: Dự án “Cùng nhau nuôi em Mường Lát” đã hỗ trợ 165 học sinh của nhà trường tại điểm trường Ón và Lát.

“Không chỉ giúp trò nghèo có bữa ăn bán trú đủ dinh dưỡng, dự án còn hỗ trợ dụng cụ nấu ăn, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập... Với học trò vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, sự chung tay của nữ nhà giáo và các mạnh thường quân góp phần cùng nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục”, thầy Hùng nói.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, nhà giáo Phạm Thanh Huyền cho biết sẽ tiếp tục đồng hành với vùng cao. Chung tay với các mạnh thường quân hỗ trợ con giống, cây trồng... tạo sinh kế cho bà con. Mục đích chủ yếu là giúp bà con huyện miền núi xứ Thanh có thể làm giàu từ chính đôi bàn tay của mình thay vì mãi trông chờ vào sự hỗ trợ.

Bài liên quan
Trao chìa khóa, mở thế giới cho học sinh vùng khó
Việc giáo viên Hà Nội hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh các trường vùng cao đã đem lại hiệu quả thiết thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trao truyền yêu thương cho học sinh vùng khó