Những đứa trẻ hay uống soda có một số vùng não hoạt động kém tương tự trẻ mắc chứng rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD) và người lớn lạm dụng rượu hay các chất kích thích khác.
Hoạt động não bộ khác biệt này có thể khiến trẻ dễ bị coi là "quậy", mất tập trung ở hiện tại và được y học coi là yếu tố nguy cơ gây ra rối loạn sử dụng chất gây nghiện, do một số vùng não đã quen và "ghiền" sự kích thích mà món uống tuổi thơ từng mang lại.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy việc tiêu thụ soda chứa caffeine hàng ngày ở trẻ em có thể dự đoán được việc sử dụng chất gây nghiện trong tương lai. Lời giải thích là caffeine và đường có thể gây ra tác động độc hại lên não trẻ" - tác giả chính Mina Kwon từ Khoa Tâm lý của Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho biết.
Các thống kê cho thấy việc tập cho não bộ thói quen thích được kích thích này có thể khiến lượng rượu mà những trẻ này tiêu thụ khi lớn lên tăng gấp đôi.
Các nhà nghiên cứu cho biết vẫn cần tìm hiểu sâu thêm và các biến số gây nhiễu khác có thể tác động giữa việc uống soda có caffeine và việc nghiện rượu trong tương lai, tuy nhiên dữ liệu này đủ để các bậc cha mẹ suy nghĩ lại về đồ uống con mình tiêu thụ.
Soda thường giàu caffeine, đường hoặc chất tạo ngọt, từ lâu đã được chứng minh là bất lợi cho hệ thống chuyển hóa ở cả trẻ em và người lớn. Tiêu thụ quá nhiều làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch, chuyển hóa ở mọi độ tuổi.