Bức ảnh 1: Đứa trẻ ngỗ nghịch
Một cặp vợ chồng trẻ đưa cậu con trai đi tàu điện ngầm. Trong quá trình di chuyển, đứa trẻ đang ngồi giữa cha mẹ bất ngờ đứng dậy, nhảy nhót trên ghế. Đã thế, cậu còn cười hả hê và liên tục có động tác vỗ vào mặt và vai của cha mẹ mình.
Thấy hành động của con như vậy, phụ huynh không hề can thiệp hay có bất kỳ động thái gì để ngăn cản con lại. Họ chỉ né tránh khi con vung tay vào mình. Một phụ nữ ngồi bên cạnh thấy vậy liền nhắc nhở cặp vợ chồng này rằng việc con trẻ nhảy nhót trong tàu điện ngầm là rất nguy hiểm. Nhưng kết quả thì sao, đứa trẻ nghe thấy vậy liền tỏ ra tức giận và giơ tay lên đánh người phụ nữ này.
Mặc dù bố mẹ đã xin lỗi thay cho con trai, nhưng họ lại không thể ngăn chặn được hành vi của con. Ở xung quanh, mọi người đều tỏ ra hài lòng với hành động nghịch ngợm của đứa trẻ.
Bức ảnh 2: Người mẹ biết điều và một đứa trẻ "ngoan"
Trong cùng một toa xe, trái ngược với thái độ hờ hững của phụ huynh và hành động nghịch ngợm của đứa trẻ ở trên, xuất hiện một người mẹ trẻ rất "biết điều". Theo đó, cô ôm chặt đứa con nhỏ của mình và ngồi im lặng ở một góc cuối toa tàu điện ngầm, đứa trẻ ngoan ngoãn đã ngủ thiếp đi trong vòng tay ấm áp của mẹ.
Vì không muốn chiếm chỗ hay làm ảnh hưởng đến vị trí ngồi của người khác nên người mẹ này đã bế con dựa thẳng vào ngực mình. Cô còn rất chu đáo dùng tay nâng đỡ đôi giày mà bé đang mang để tránh làm bẩn quần áo của người khác.
Trong cùng một toa tàu, chỉ cần để ý một chút là chúng ta đã thấy sự khác biệt trong việc dạy con của mỗi gia đình. Một người mẹ thì phó mặc con chơi đùa gây ồn ào trong toa tàu, còn một người mẹ thì luôn sợ mình và con làm ảnh hưởng đến người khác. Có thể thấy, bậc cha mẹ khác nhau, sự giáo dục khác nhau, sẽ tạo nên những đứa trẻ có tính cách khác nhau.
1. Dạy con điều hay lẽ phải
Cha mẹ cần phải dạy con biết hành vi đạo đức nào là "đẹp", hành vi đạo đức nào là "xấu".
Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ, cha mẹ mẫu mực thường xuyên dạy dỗ, làm gương cho con, thì trẻ sẽ học được cách ngưỡng mộ cái "đẹp" từ cha mẹ, từ đó nhận thức được về tầm quan trọng của những hành vi "đẹp" trong cuộc sống. Và một cách tự nhiên, tư duy giáo dục tốt đã được nuôi dưỡng trong con.
Những đứa trẻ như vậy, không thể chịu đựng được những hành vi "xấu xí" thiếu giáo dục, và bản thân chúng tất nhiên cũng sẽ không làm những điều đó.
2. Khi trẻ em mắc lỗi, cha mẹ nên sửa chữa kịp thời
Trẻ con mắc lỗi không đáng sợ, điều quan trọng là sự giao tiếp và hướng dẫn của cha mẹ sau những lỗi lầm của con để từ đó giúp chúng hình thành quan niệm đúng đắn về phẩm chất, tránh để trẻ mắc lỗi tương tự vào lần sau.
Trẻ còn nhỏ, không biết nguy hiểm và tính nghiêm trọng của sự việc, nhưng người lớn thì phải biết. Một khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ cần phải sửa chữa kịp thời, điều này mới thực sự có lợi cho sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ.
3. Đừng để cảm xúc của trẻ kiểm soát cha mẹ
Cha mẹ cần phải hiểu được tầm quan trọng của các quy tắc, và cần phải nói rõ với trẻ rằng những việc đó là "không được", "không được phép", "không thể làm" vì "nguy hiểm", "làm ảnh hưởng đến người khác", "khiến người khác phiền lòng".
Đừng vì thấy trẻ nổi giận, khóc lóc, mà phụ huynh để mình bị kiểm soát, một lần cho phép con làm điều sai chính là một lần nhượng bộ cho những điều sai nối tiếp trong tương lai. Cha mẹ yếu mềm khó có thể lập kế hoạch tốt cho hành trình nuôi dưỡng phẩm chất bên trong của trẻ, cha mẹ dễ bị trẻ kiểm soát cảm xúc sẽ khó khăn trong việc hướng dẫn con phát triển một cách khỏe mạnh và tích cực.
Cha mẹ bị kiểm soát sẽ không thể quản lý tốt hành vi của con. Và nếu hành vi của con sai lệch, chúng cũng chỉ có thể tiếp tục và mãi đi trên con đường sai lầm đó vì không có người định hướng. Vậy nên, cha mẹ cần phải giữ vững nguyên tắc của mình, đừng để cảm xúc của trẻ kiểm soát bạn.
Gia đình tinh tế, luôn sợ mình ảnh hưởng đến người khác, gieo cho con cái những hạt giống của cái "chân, thiện, mỹ". Gia đình thiếu đi sự tế nhị, chỉ quan tâm đến cảm xúc và lợi ích cá nhân, gieo cho con cái những mầm mống "ích kỷ phá hoại, thích gây hấn, thiếu giáo dục".
Theo Sohu