Triển khai giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa

12/09/2022, 09:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Triển khai giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trên tinh thần hết sức xây dựng. Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, đó mới là giám sát.

Giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng

Ngày 11/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” họp phiên thứ Nhất. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là phiên họp đầu tiên để triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 ngày 04/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 với nội dung “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với Đoàn giám sát là phải đánh giá công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Làm rõ các kết quả đạt được, những vướng mắc, bất cập và nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương.

Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trong giai đoạn tới.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nắm vững tinh thần thể hiện trong phát biểu quán triệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, theo đó, cần giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng.

Giữa “xây” và “chống” thì xây vẫn là căn bản, lâu dài; chống là quyết liệt, triệt để. Phải phát huy được những mô hình tốt những cách làm hay, gương người tốt, việc tốt để nhân rộng, đó mới là giám sát.

Phải đánh giá cân bằng, khách quan để tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh khâu tổ chức thực hiện để mọi việc tốt hơn, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.

Phạm vi, đối tượng giám sát “việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản đã công bố Nghị quyết số 581/NQ-UBTVQH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Theo đó, phạm vi giám sát là về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên phạm vi cả nước (từ thời điểm Nghị quyết số 88/2014/QH13 có hiệu lực thi hành).

Đối tượng giám sát bao gồm: Chính phủ và các Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung giám sát là Đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội; kiến nghị giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 27 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và các quy định khác của pháp luật có liên quan; xây dựng kế hoạch chi tiết và các đề cương báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành. Kết quả giám sát sẽ được Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8/2023; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề và gửi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Nhằm thống nhất nhận thức, thống nhất hành động trong Đoàn Giám sát, tại phiên họp, các thành viên Đoàn giám sát đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổ trưởng Tổ giúp việc trình bày dự thảo kế hoạch giám sát, các đề cương báo cáo cũng như báo cáo tiến độ thực hiện giám sát chuyên đề.

Nên bổ sung phương pháp thăm dò ý kiến dư luận

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao cơ quan thường trực, tổ giúp việc của Đoàn giám sát trong thời gian ngắn đã chuẩn bị công phu, đầy đủ các nội dung, tài liệu.

Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về dự thảo Kế hoạch chi tiết của Đoàn giám sát và dự thảo các Đề cương báo cáo của cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát, và nội dung yêu cầu các cơ quan tổ chức chuẩn bị báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát; quán triệt, thống nhất, phân công thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn giám sát.

Một số ý kiến đề nghị, nên bổ sung phương pháp thăm dò ý kiến dư luận, nhằm thăm dò, nghiên cứu, đánh giá ý kiến của các bậc phụ huynh học sinh đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung phương pháp tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về nội dung này, nhằm so sánh hệ thống chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của nước ta với một số nước khác, nhất là những nước có nét tương đồng về thể chế chính trị.

UBTVQH triển khai giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Cần giám sát trên tinh thần hết sức xây dựng.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn để hoạt động giám sát đạt mục tiêu đề ra

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những ý kiến thảo luận sôi nổi góp ý vào dự thảo các văn bản; đề nghị Tổ giúp việc hoàn chỉnh các văn bản để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội.

Ghi nhận, đánh giá cao Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội, trực tiếp là Vụ phục vụ hoạt động giám sát chuẩn bị nội dung chu đáo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, việc chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch chi tiết và sự tham gia của các chuyên gia trong Đoàn sẽ rất quan trọng cho quá trình giám sát, quyết định chất lượng, hiệu quả giám sát.

Để Đoàn giám sát đạt được những mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, kinh nghiệm thực tiễn;thực hiện đúng các quy định của Luật Hoạt động giám sát và các quy chế, quy định pháp luật khác có liên quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các thành viên tập trung thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Luật cũng như yêu cầu của Đoàn giám sát; lắng nghe ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học, ý kiến của nhân dân, phải nghe bằng nhiều kênh, trung thực, khách quan.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các Bộ, ngành và cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, cần chủ động theo kế hoạch chi tiết đã được giao, kịp thời kiến nghị, đề xuất với các Đoàn giám sát những vấn đề phát sinh, cung cấp thông tin; phối hợp chặt chẽ để đảm bảo công tác giám sát đạt chất lượng cao./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai giám sát việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa