Theo ông Brown, công ty đã từ chối lấy chứng nhận tàu Titan đạt chuẩn để lặn xuống độ sâu cần thiết. “Vậy có vấn đề gì với việc lấy giấy chứng nhận?”, ông Brown đặt nghi vấn và sau đó quyết định rút lui không tham gia vào sự án tham quan xác tàu Titanic nữa.
Vào tháng 3/2018, Hiệp hội Công nghệ Hàng hải cũng gửi thư cho lãnh đạo công ty Ocean Gate bày tỏ quan ngại về “những hậu quả tiêu cực” tiềm ẩn đối với chuyến thám hiểm xác tàu Titanic.
Nhưng cuối cùng, chuyến đi vẫn được thực hiện. Để được tận mắt ngắm xác tàu Titanic, mỗi du khách phải chi 250.000 USD cho Ocean Gate - theo mức giá công bố năm ngoái.
Tàu Titan đã khởi hành vào hôm 18/6, với lượng oxy đủ cho 96 giờ, trong chuyến lặn dự kiến kéo dài 2 giờ tới xác tàu Titanic. Tuy nhiên, khoảng 1 giờ 45 phút sau khi lặn xuống đáy Đại Tây Dương, tàu Titan đã mất liên lạc hoàn toàn.
Hy vọng cũng từng được thắp lên khi Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo máy bay P-8 của Canada tham gia tìm kiếm đã nghe thấy những tiếng va đập lặp đi lặp lại đều đặn 30 phút/lần. Hệ thống sonar được triển khai 4 giờ sau đó và vẫn nghe thấy những âm thanh này.
Nhưng cuối cùng, điều kỳ diệu đã không xảy ra dù các đội cứu hộ từ một số quốc gia đã dành nhiều ngày để tìm kiếm hàng km2 bằng máy bay và tàu.
Nói về nguyên nhân vụ tai nạn, Chuẩn Đô đốc Cảnh sát biển Mỹ, ông John Mauger, cho biết sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia, mọi người thống nhất rằng “các mảnh vỡ phù hợp với sự cố mất buồng áp suất gây hậu quả thảm khốc".
Liên quan tới vấn đề này, Giáo sư về robot hàng hải tại Đại học Sydney (Australia), ông Stefan B. Williams, cho biết sự cố của hệ thống áp suất sẽ gây ra hậu quả “giống như một quả bom nhỏ phát nổ”.
Về phần mình, ông Josh Dean, một nhà báo đã có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu và viết về thám hiểm biển sâu, cho rằng hành khách trên tàu lặn Titan thậm chí còn không có thời gian để biết rằng có một vụ nổ đang diễn ra.
“Đó là một điều vô cùng bi thảm. Sự cố này thường được mô tả là xảy ra nhanh hơn tốc độ xử lý của não”, nhà báo Dean trả lời phỏng vấn tạp chí People.