Dù chỉ số tăng mạnh nhưng giao dịch khá khiêm tốn. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt hơn 22,5 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HoSE có 419 mã tăng giá, 62 mã đứng giá tham chiếu và 90 mã giảm giá.
VNM là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên chỉ số chính khi đem về cho Vn-Index 1,6 điểm. Ở chiều ngược lại, BHN lấy đi của VN-Index 0,02 điểm.
Phiên này CII Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM tiếp tục tăng tốt 2,66%, lên 21.250 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này bất chấp kết quả kinh doanh không mấy khả quan.
Kết quả kinh doanh của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM trong quý 2 ghi nhận doanh thu thuần 843,4 tỷ đồng, giảm 15,2% so với cùng kỳ. Trong đó giá vốn chiếm lượng lớn với 641,6 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt 250,6 tỷ đồng, giảm tới 55,4% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của công ty giảm từ 45,5% xuống chỉ còn 23,9%.
Tính đến hết quý 2, tổng tài sản của CII đạt 26.649,2 tỷ đồng, giảm 6,7% so với thời điểm đầu năm.
CII đang gánh khoản nợ khá lớn
Một điểm đáng chú ý đó là cơ cấu các khoản nợ trong tài sản của CII đang chiếm tỷ trọng lương đối lớn. Nợ ngắn hạn đã tăng từ 5.166,4 tỷ đồng lên 6.039,4 tỷ đồng. Tương đương với việc các khoản nợ vay ngắn hạn đã gia tăng tới 615,6 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Nợ vay dài hạn hiện cũng đang chiếm tới 7.112,3 tỷ đồng trong tài sản của CII. Nếu tính tổng cả khoản nợ vay ngắn hạn và dài hạn thì hiện tại CII đang đi vay nợ tới 13.151,7 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong quý 2, chi phí lãi vay mà CII phải trả đã lên tới 363,6 tỷ đồng, tương đương với việc mỗi ngày CII đang phải trả tới 4,04 tỷ đồng lãi vay mỗi ngày.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, công ty cũng xác nhận lịch thanh toán của các khoản vay trong 12 tháng lên tới 5.107,7 tỷ đồng. Lượng phải thanh toán của các khoản vay nợ trái phiếu trong 12 tháng tới cũng ghi nhận ở mức 2.004,7 tỷ đồng.
CII được biết đến là một “ông lớn” sở hữu quỹ đất “đáng mơ ước” tại KĐT mới Thủ Thiêm nhờ các dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.