Lo nhiễm chéo trong thời gian thuê trọ
Bày tỏ lo lắng khi ở nhà trọ trong thời gian sắp tới khi các ca F0 không ngừng gia tăng, Nguyễn Thanh Thủy - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - chia sẻ: Trong dãy trọ có nhiều sinh viên nên việc lây nhiễm chéo dễ xảy ra. Nếu chẳng may mắc Covid-19, một số bạn sinh viên sẽ không có người chăm sóc, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất còn “lạ nước lạ cái” dễ dẫn đến tủi thân, tâm lý tiêu cực.
Với khoảng 95% sinh viên của trường đi ở trọ. Nhiều nhà trọ dùng chung nhà vệ sinh là điều bình thường. Nguyễn Minh Hiền - sinh viên Học viện Tài chính - bày tỏ lo lắng: Nếu sinh viên trở thành F0, và phải cách ly tại nhà, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà trọ và những người xung quanh.
“Nguy cơ lây chéo tại Hà Nội hiện nay rất lớn. Do vậy, nếu học trực tiếp, em mong nhà trường có những việc làm cụ thể chứ không chỉ chuẩn bị đầy đủ các phương án cho việc sinh viên bị lây nhiễm. Nhà trường cần bố trí chỗ ăn ở cho các sinh viên bị lây nhiễm, như vậy chúng em mới an tâm”, Hiền bộc bạch.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy khối các trường cao đẳng, đại học Hà Nội - cho biết: Trên 300.000 sinh viên quay lại trường học ở Hà Nội. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, số sinh viên là F0 tăng cao, một số trường đã có sự lúng túng.
Do đó, với việc đưa sinh viên về Hà Nội học, các nhà trường cần ưu tiên sinh viên năm đầu và năm cuối, phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh như có khu cách ly, có người chăm sóc với đầy đủ cơ sở vật chất.
Các trường phải đưa sinh viên F0 về chăm sóc khi các chủ nhà trọ không tiếp nhận, không được bỏ sót bất cứ trường hợp nào. Sinh viên là F0 phải được chăm sóc chu đáo. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền để chủ các nhà trọ có sự chia sẻ đối với sinh viên mắc bệnh.