Giai đoạn từ tháng 9.2020 trở đi, dù trường đã điều chỉnh chính sách phát triển khoa học công nghệ theo hướng thực chất nhưng nhà trường vẫn tiếp tục phải giải quyết các tồn đọng để lại từ giai đoạn trước, đặc biệt là về gánh nặng tài chính.
Top 10 đơn vị nghiên cứu Việt Nam theo Nature Index: Thực lực đến đâu ?
Theo báo cáo của trường, kinh phí mà trường phải chi trả cho các công bố quốc tế là trả trực tiếp cho các tác giả có bài báo quốc tế, dựa trên số lượng bài báo. Với 5.569 bài (trong 3 năm), tổng số tiền mà trường phải thanh toán cho các tác giả là hơn 259 tỉ đồng. Trong đó, năm 2019 là hơn 123,8 tỉ đồng; năm 2020 là gần 99 tỉ đồng; năm 2021 gần 36,4 tỉ đồng. Vì các hợp đồng trường ký với các tác giả bài báo trước thời điểm 8.2020 vẫn còn hiệu lực, số lượng bài báo công bố quốc tế mà tác giả đã thực hiện và đề nghị nghiệm thu thanh toán còn tồn đọng và kinh phí của các bài báo tiếp tục phát sinh cho đến khi hết hạn hợp đồng. Do đó, số bài chưa thanh toán phát sinh đến tháng 4.2022 là 161 tỉ đồng.
Nhiều thông tin còn mơ hồ
Như Báo Thanh Niên đã phản ánh, theo thông báo của đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT tại Trường ĐH Duy Tân, đoàn gần như không nhìn thấy bất kỳ bất cập nào trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của trường này. Tuy nhiên, ngay trong kết quả kiểm tra đoàn kiểm tra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, chúng tôi nhận thấy mạng lưới nhân sự của 2 trường có sự liên quan.
Trong giai đoạn 2019 - 2021, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có 3.765 công bố khoa học WoS/Scopus là do 415 nhân sự hợp đồng ngoài trường công bố (chiếm 68%), trong đó 184 cán bộ là người trong nước, 231 cán bộ là người nước ngoài (công bố 2.559 bài báo, trung bình 11,07 bài/người). Khi tra cứu trên mạng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều người trong số này khi thì ghi địa chỉ Trường ĐH Duy Tân, khi thì khi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trên các bài báo mà họ công bố (với các tác giả người nước ngoài thì còn xuất hiện nhiều địa chỉ trường ĐH của nước ngoài). Trong hợp đồng với Trường ĐH Tôn Đức Thắng, những người này là ai, đến từ đâu… đều khá mơ hồ.
Chẳng hạn, với tác giả Hossein Moayedi, trong hợp đồng giữa tác giả này với Trường ĐH Tôn Đức Thắng (từ 1.3.2020 - 28.2.2021) không ghi đơn vị công tác của tác giả, trong hợp đồng ghi tác giả là “viên chức”. Nhưng khi tìm kiếm tên tác giả này trên internet thì xuất hiện với địa chỉ Trường ĐH Duy Tân và hàng loạt trường ĐH nước ngoài khác.
Một thực tế khác mà trường phải chấp nhận là dù giai đoạn trước để lại số lượng công bố quốc tế “đồ sộ” với chi phí rất lớn, nhưng một số công bố quốc tế của trường nhiều nội dung không liên quan đến các chuyên ngành đào tạo. Trước đây, khi ký hợp đồng với các tác giả nước ngoài, trường cũng không làm rõ trong hợp đồng các nội dung đơn vị công tác, lĩnh vực chuyên môn… của người được ký hợp đồng. Vì thế, nội dung công bố quốc tế của các tác giả người nước ngoài rất đa dạng, khó đảm bảo chất lượng của các công bố. Điều này dẫn đến việc chạy theo số lượng công bố của các tác giả là người nước ngoài, không có cơ sở kiểm chứng về mặt chuyên môn.
Đây cũng là lý do khiến cho nhiều công bố của trường không hoặc ít liên quan đến các chương trình đào tạo hiện có của trường. Ví dụ, theo thông báo trên trang chính của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện nay nhà trường có 40 chương trình đào tạo, 17 ngành đào tạo chất lượng cao và 12 ngành ĐH chất lượng cao (dạy - học bằng tiếng Anh), thì không có chương trình đào tạo chuyên sâu về nông nghiệp hay thủy sản. Nhưng trong các công bố của trường, có nhiều công bố liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; thậm chí có một số bài công bố các kết quả thuần túy thuộc lĩnh vực này.