Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp

PV | 13/09/2023, 21:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cho biết về chủ đề hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Trong xu thế này, các trường phải rất linh hoạt trong việc thay đổi chương trình, mục tiêu đào tạo sao cho phù hợp với sự biến đổi của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, nhà tuyển dụng nói riêng. Việc doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục đào tạo tại các trường sẽ giúp đào tạo không xa rời thực tế, làm tăng sức mạnh phục vụ cộng đồng của Trường và doanh nghiệp.

Để góp phần làm sáng tỏ thực trạng mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp cùng những định hướng tăng cường mối liên kết này, phóng viên đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM về chủ đề hợp tác giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

PV: Thưa ông, thời gian qua, nhiều báo cáo cho rằng tỉ lệ sinh viên thất nghiệp sau khi đào tạo rất cao, ý kiến của ông về việc này và đâu là nguyên nhân, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn: Thực trạng hiện nay sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân cơ bản là việc đào tạo trong các trường vẫn chưa gắn với nhu cầu xã hội.

Nhiều trường đại học không đủ điều kiện để đầu tư về trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác giảng dạy. Bởi vậy, sinh viên khi ra trường thường yếu về kỹ năng thực hành và vận hành các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường lao động Việt Nam đang trên đà phát triển, số vị trí việc làm mới tạo ra hằng năm thường thấp hơn số sinh viên tốt nghiệp đại học.

z4690226732548_d0076f27aa8c582c9ed6a1633bb163bd.jpg

Tại Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM, với phương châm đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải đào tạo những gì trường có, đào tạo lấy người học làm trung tâm, Nhà trường luôn chú trọng đến việc hợp tác với doanh nghiệp để tạo môi trường học tập thực tế cho sinh viên ngày từ khi còn trên ghế nhà trường nên tỉ lệ có việc làm sau khi ra trường rất cao.

Khó khăn, vướng mắc của Trường trong việc hợp tác với các doanh nghiệp?

Theo tôi, nhiều doanh nghiệp họ chỉ thực hiện nhiệm vụ tuyển dụng và xem nhiệm vụ đào tạo là của các cơ sở Giáo dục và của xã hội. Nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải có “kinh nghiệm”, nhưng với những sinh viên mới ra trường điều này là không thể. Chưa có hành lang pháp lý khuyến khích doanh nghiệp và cơ sở đại học hợp tác theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.

Các nhà khoa học và sinh viên chưa tiếp cận được với doanh nghiệp để có thể lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và nghiên cứu sản phẩm mới hoặc để có được những nghiên cứu đúng với nhu cầu của doanh nghiệp.

PV: Nhà trường làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn công việc tại doanh nghiệp cho sinh viên?

Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách từ giảng đường tới thực tiễn công việc tại doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách không chỉ riêng UTH mà là yêu cầu đối với tất cả các trường. Với phương châm “Học để biết - Học để làm”, Nhà trường áp dụng học kỳ doanh nghiệp cho sinh viên.

Qua đó, sinh viên UTH vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn tại doanh nghiệp, đồng thời rèn luyện kỹ năng, thái độ và hình thành năng lực nghề nghiệp để tham gia thị trường lao động ngay sau khi kết thúc quá trình đào tạo.

UTH cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Nhờ đó, sinh viên UTH được doanh nghiệp "săn đón" từ khi chưa tốt nghiệp.

PV: Được biết UTH là một trong những trường có mức học phí thấp nhất cả nước, vậy thì việc hợp tác với các doanh nghiệp có phải là một trong các giải pháp để đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng thu nhập cho cán bộ và giảng viên?

Trường có chính sách nhà giáo kết hợp doanh nghiệp. Không ít giảng viên Trường có quan hệ tốt và cộng tác với doanh nghiệp bên ngoài. Các doanh nghiệp này vừa là nơi sinh viên kiến tập, thực tập. Sinh viên vừa học vừa làm nên tiếp cận sớm thực tế nghề nghiệp.

Thông qua các hợp đồng đào tạo, doanh nghiệp sẽ đóng góp kinh phí đào tạo, góp phần bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, cũng như cải thiện đời sống vật chất cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường.

z4690226748024_847eadc457e637c4d98c59984a81c5ca.jpg

Thông qua mối quan hệ với các doanh nghiệp, chúng tôi có thể mời chuyên gia tham gia cùng sinh viên trường để thảo luận, điều chỉnh mục tiêu, nội dung để nâng cao chất lượng đào tạo; góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nghiên cứu viên thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm.

PV: Một số giải pháp nhằm thúc đẩy mô hình hợp tác đại học với doanh nghiệp mà Trường đang áp dụng?

Gắn kết với doanh nghiệp, không chỉ dừng lại ở vấn đề tìm chỗ thực hành cho sinh viên hay xin học bổng mà hướng tới việc giúp sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trước đây việc hợp tác của Trường thường dưới hình thức doanh nghiệp trao học bổng, nhưng nay Trường kêu gọi doanh nghiệp tham gia đào tạo thông qua học kỳ doanh nghiệp.

Sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp trực tiếp hướng dẫn, đánh giá và hiểu được tinh thần, truyền thống của doanh nghiệp. Nhiều sinh viên tham gia học kỳ doanh nghiệp đã được doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc và tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp.

Những sinh viên này đáp ứng rất tốt với yêu cầu của doanh nghiệp. Trường đã ký biên bản hợp tác với các đối tác lớn như Tập đoàn Trường Hải, Tập đoàn Hải An, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), các tập đoàn lớn về IT, các chủ tàu Châu Âu, ký kết quy chế hợp tác với Cảng vụ Hàng hải TPHCM…

Bên cạnh đó, Trường tiến tới thành lập Viện nghiên cứu - đào tạo Đèo Cả. Đây là mô hình nghiên cứu, đào tạo theo địa chỉ doanh nghiệp, mang ý nghĩa giáo dục và hướng về cộng đồng, về xã hội.

Mô hình này vừa mang tính tất yếu, vừa mang tính khả thi cao trong việc đáp ứng lao động cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực nghiên cứu trong Nhà trường và đẩy mạnh sản xuất doanh nghiệp theo hướng cải tiến theo nhu cầu.

Nhà trường có sẵn đội ngũ trí thức được đào tạo một cách bài bản, có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao những công nghệ mới tiên tiến, từ đó triển khai áp dụng cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, UTH và Siemens Industry Software Pte. Ltd. (Siemens) cũng đã ký kết biên bản hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm công nghiệp 4.0 với tổng mức quy mô đầu tư lên đến 5 triệu USD nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học công nghệ các nhóm ngành trọng điểm như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và cơ khí ô tô.

Giá trị cốt lõi của việc hợp tác này chính là ứng dụng khoa học công nghệ để dạy sinh viên cách tư duy, khơi gợi sự sáng tạo và hiếu kỳ trong nghiên cứu bởi đây chính là nền tảng để dẫn dắt tương lai.

Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM có đội ngũ chuyên gia trình độ cao, nhiều kinh nghiệm, có mạng lưới hợp tác rộng rãi trong và ngoài nước, cơ sở vật chất ngày càng được đầu tư.

Nhà trường thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp sẽ huy động được đội ngũ trí thức là các thành viên hội đồng cố vấn và các cán bộ có trình độ của doanh nghiệp gia nhập đội ngũ Giảng viên của mình. Nhờ đó chất lượng đào tạo sẽ tăng lên rất nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp