Trường học chủ động phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh từ THCS

Đức Duy | 27/01/2023, 16:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Trường Tiểu học & THCS Khánh Khê nhiều năm qua, nhà trường đã chủ động phân luồng học sinh từ sớm để hướng nghiệp sao cho hiệu quả.

Chủ động phân luồng sớm

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Bích Thuỳ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Khánh Khê (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), nhiều năm qua nhà trường đã chủ động phân luồng sớm cho học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm tìm hiểu về nghề truyền thống địa phương.

Lồng ghép các hoạt động ngoại khóa tìm kiếm tài năng, các hoạt động khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học kĩ thuật dành cho học sinh THCS, thực hiện tích hợp lồng ghép thông qua các bài học trong môn giáo dục và công dân.

Từ năm học 2021 – 2022 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác phân luồng sớm cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương lớp 6 và lớp 7.

Trường học chủ động phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh từ THCS ảnh 1

Giờ sinh hoạt dưới cờ của thầy trò Trường Tiểu học & THCS Khánh Khê (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn).

“Bằng các hoạt động đó chúng tôi đã nắm bắt được năng lực, sở trường của từng học sinh, qua đó cũng giúp các em định hướng được các ngành nghề mà các em có khả năng làm được sau khi học hết THPT, đặc biệt là giúp định hướng phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS”, cô Thuý nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đến trường tư vấn, giới thiệu đến các em học sinh lớp 9 và mời phụ huynh cùng tham dự.

Cô Thuý cho biết thêm, việc phân luồng học sinh THCS là việc cần thiết, đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, của riêng các trường THCS mà còn là trách nhiệm của các trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và phụ huynh học sinh.

Nỗ lực để đạt được mục tiêu

Trường TH&THCS Khánh Khê nằm ở thuộc địa bàn miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, học sinh từ sớm đã được trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất tại gia đình như làm vườn, chăn nuôi… hay mô hình phát triển kinh tế như nghề quay lợn, nghề làm gạch bê tông, mô hình trồng đào phai ….. Đây là điều kiện thuận lợi trong công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp gắn với mô hình phát triển kinh tế của địa phương của nhà trường.

Vì vậy, năm học 2022 - 2023 nhà trường đặt mục tiêu: 85,7% học sinh thi đỗ vào trường THPT và 14,3% học sinh sẽ theo học tại trường Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề, học nghề ngắn hạn tại cơ sở dạy nghề khác.

Để làm được điều đó nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục hướng nghiệp phân luồng cho học sinh lớp 9 từ sớm một cách cụ thể và toàn diện hơn bằng cách làm tốt hơn công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực.

Nhà trường tổ chức cho học sinh khảo sát năng lực của bản thân (học sinh tự xác định và hiểu được các điểm mạnh, điểm yếu trong học tập và công việc ở trường, ở nhà, yếu tố giới tính có ảnh hưởng đến hứng thú, lòng tự tin, năng suất lao động).

Tăng cường phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Thái Nguyên, Trường cao đẳng nghề Việt Đức (Lạng Sơn) tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm tìm hiểu về các ngành nghề mà các nhà trường đào tạo. Các buổi tham quan, trải nghiệm trường sẽ mời phụ huynh của học sinh trong kế hoạch định hướng phân luồng cùng tham gia trải nghiệm nhằm tạo sự đồng thuận vào cuộc của phụ huynh đạt hiệu quả cao hơn.

Song song với đó nhà trường cũng sẽ tiếp tục tổ chức dạy học hướng nghiệp cho học sinh bằng hình thức trên lớp kết hợp với hình thức trải nghiệm làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Văn Quan, giúp học sinh hiểu một số thông tin về nghề nghiệp địa phương, hiểu về năng lực bản thân và truyền thống nghề nghiệp của gia đình. Từ đó khuyến khích các em phát triển năng lực bản thân và kế thừa truyền thống nghề nghiệp gia đình, quê hương.

Bên cạnh những thuận lợi đó, cô Thuý cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong công tác phân luồng học sinh của nhà trường như: Tâm lý bằng cấp của học sinh, phụ huynh còn nặng nề do vậy nhiều gia đình không muốn con em mình vào học các trường thuộc hệ thống GDNN do tâm lý e ngại về chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng nghề không tìm được việc làm, chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp dẫn đến tâm lý em ngại lựa chọn theo học của học sinh phụ huynh.

“Năm học 2021 – 2022, chúng tôi đã kết hợp với Trường Cao đẳng nghề tỉnh Thái Nguyên, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn giới thiệu các nghề mà nhà trường đào tạo cho phụ huynh và học sinh. Đồng thời, chúng tôi thực hiện các hoạt động trải nghiệm gắn với mô hình kinh tế của địa phương như cho học tham quan tìm hiểu nghề làm lợn quay truyền thống, mô hình vườn đào kinh tế cao….”, cô Nguyễn Thị Bích Thuỳ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Khánh Khê (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học chủ động phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh từ THCS