Ông Hồ Tấn Minh nói về đề xuất cho học sinh nghỉ học thứ 7
* Như vậy, Sở GD-ĐT TP HCM có quy định rõ hay cho phép các trường được chủ động sắp xếp thời khóa biểu?
- Nhà trường không thể ép những nội dung không cần thiết để bắt học sinh học 9 tiết/ngày. Nếu ép học 9 tiết/ngày để thuận tiện cho nhà trường nhưng không khoa học, quá tải cho học sinh thì không nên, không thể kéo dài.
Sở GD-ĐT TP HCM đã chỉ đạo xuyên suốt là ở bậc trung học không quá 8 tiết/ngày. Việc sắp xếp số tiết phải theo căn cứ khoa học, tâm lý, sức khỏe học sinh.
* Một số cơ sở giáo dục cho rằng để bảo đảm quy định 8 tiết/ngày thì phải bỏ bớt chương trình giáo dục của trường, trong đó có nhiều tiết học là thực hiện chương trình, đề án của TP như tiếng Anh, tin học… Như vậy liệu có ảnh hưởng đến học sinh?
- Trách nhiệm xây dựng kế hoạch giáo dục trong nhà trường là của hiệu trưởng. Còn kế hoạch thực hiện các chương trình thì nhà trường cần căn cứ theo nhu cầu tự nguyện của phụ huynh. Khi phụ huynh có nhu cầu đăng ký thì nhà trường tổ chức sắp xếp các lớp, bố trí trong các nội dung giáo dục. Khi học sinh đăng ký cái này thì tất nhiên phải bỏ bớt cái khác. Có nhiều đề án, chương trình như tiếng Anh, tin học, thể thao… nhưng không phải em nào cũng thích, cũng học hết. Vì vậy, không thể cái gì cũng muốn thêm vào chương trình để bắt học sinh phải học.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD-ĐT TP HCM, việc dạy học phải vừa sức. Nếu học sinh học quá tải cũng không mang lại hiệu quả. Đối với khối 12, các trường đừng đặt nặng việc thực hiện chương trình của nhà trường bởi lộ trình các đề án không áp đặt đối với học sinh cuối cấp, cần tránh quá tải. "Tôi hoan nghênh các trường thiết kế buổi 2 vừa sức, không đưa thêm chương trình vào để vượt ngưỡng, gây áp lực cho học sinh. Các chương trình đề án nên áp dụng cho học sinh khối 10, 11" - ông Tân nhấn mạnh. |