Trường học hạnh phúc gắn kết sẻ chia yêu thương

Phương Thảo | 12/03/2023, 14:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học 2022 – 2023 là năm trọng tâm của đổi mới, trong đó, xây dựng “trường học hạnh phúc” được xem là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục.

Xây dựng văn hóa ứng xử học đường

Mục tiêu hướng tới của một ngôi trường hạnh phúc chính là hình thành các giá trị cốt lõi bằng sự yêu thương, an toàn và tôn trọng. Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí đề ra. Trong những năm qua, trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên đã tổ chức đa dạng các hoạt động với phương châm lấy học sinh làm trung tâm. Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư vào việc xây dựng môi trường học đường xanh - sạch - đẹp, có đầy đủ công năng để học sinh có thể chủ động, sáng tạo tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Quang Trung chia sẻ: Xác định rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong xây dựng môi trường học hạnh phúc. Nhà trường đã nỗ lực không ngừng, có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử học đường phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục học sinh đạt hiệu quả.

Các thầy, cô giáo không chỉ tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung năng lực, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, biến khó khăn, thách thức thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân, có sự đổi mới trong phương pháp dạy học, phát huy phẩm chất, năng lực học sinh theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi giúp cho học sinh phát triển và tiến bộ, tạo cơ hội để các em bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, sẻ chia, thấu hiểu những mong muốn, nguyện vọng của học sinh.

Trường học hạnh phúc gắn kết sẻ chia yêu thương ảnh 1

Cô và trò trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên cùng tham gia trò chơi dân gian.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm bổ ích cho học sinh

Nhà trường đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực, an toàn cả về thể chất và tinh thần, thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các trò chơi ngay tại sân trường như trò chơi vận động thể chất, trí tuệ bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, nhảy tập thể, kéo co. Các trò chơi dân gian như: chơi chuyền, bịt mắt, bắt dê, đánh trống, trồng nụ, trồng hoa, nhảy bao bố, ô ăn quan.

“Qua các hoạt động, giáo viên dễ dàng trong việc quản lý và đảm bảo an toàn cho học sinh, bên cạnh đó thu hút được đông đảo số lượng học sinh tham gia và hầu hết các em tỏ ra rất hứng thú khi được tham gia các trò chơi cùng bạn bè và thầy cô ngay trên sân trường. Đồng thời, nhà trường cũng mong muốn văn hóa truyền thống sẽ thấm dần vào tâm hồn trẻ thơ, qua đó rèn luyện thể chất và tinh thần của học sinh theo chiều hướng tốt hơn”. Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh cho biết thêm.

Em Vi Văn Lượng, học sinh lớp 8A1, trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên chia sẻ: Em cảm thấy vô cùng hứng thú với các hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian. Thông qua sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp chúng em giảm căng thẳng, mệt mỏi trong học tập, tự tin vào bản thân, có thái độ cởi mở, hòa đồng với bạn bè xung quanh. Qua đó, chúng em thêm trân quý cuộc sống, tôn trọng, biết ơn cha mẹ và thầy cô, càng thêm yêu thiên nhiên, yêu trường lớp, yêu quê hương, yêu tổ quốc.

Tại trường THCS Đồng Quang, TP Thái Nguyên, với mục tiêu giúp học sinh vững tâm thế và học tập đạt hiệu quả cao, nhà trường luôn xác định hoạt động trải nghiệm là một hoạt động giáo dục cần đặc biệt quan tâm, nhất là trong chương trình Giáo dục phổ thông mới hiện nay.

Trường học hạnh phúc gắn kết sẻ chia yêu thương ảnh 2

Niềm vui của cô và trò trường THCS Đồng Quang trong một hoạt động trải nghiệm được tổ chức tại khuôn viên trường.

Thầy giáo Nguyễn Đức Luận, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Quang cho biết: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn chú trọng hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống giáo dục học sinh truyền thống văn hóa, lịch sử…để tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần cho học sinh và phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các em.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên quán triệt, tuyên truyền giáo viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, sẻ chia để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Tăng cường đổi mới để mỗi giờ dạy học trở nên lôi cuốn, thú vị và thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Như vậy, hành trình xây dựng trường học hạnh phúc là một chặng đường dài, thường xuyên, liên tục, sẽ có nhiều gian nan, thử thách, nhưng sẽ không khó nếu được chung tay, vun đắp, dựng xây bằng cả tình yêu thương. Bằng sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, sự đồng lòng của phụ huynh học sinh, sự quyết tâm, nỗ lực của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo, tin tưởng rằng trong thời gian tới, các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ thực sự là trường học hạnh phúc, đáp ứng mong mỏi của cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh và nhân dân địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học hạnh phúc gắn kết sẻ chia yêu thương