Giai đoạn nước rút ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các trường ở Thái Bình chủ động nhiều giải pháp và nỗ lực ôn tập.
Năm học 2024-2025, Trường THPT Đông Thụy Anh (huyện Thái Thụy) có 637 học sinh lớp 12. Với mục tiêu 100% học sinh đỗ tốt nghiệp và nâng cao điểm trung bình xét tuyển đại học, thầy và trò nhà trường đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm học.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Thuy cho biết, trường đã xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể, đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập chi tiết cho từng lớp.
Về phía giáo viên, nhà trường yêu cầu mỗi người đều phải có kế hoạch, giáo án ôn tập riêng và tranh thủ tối đa thời gian trên lớp để hướng dẫn học sinh ôn tập, chú trọng việc hướng dẫn các em tự học, tự ôn tập…
Hiện, trường đang tổ chức các lớp ôn thi tốt nghiệp miễn phí cho học sinh lớp 12 theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, diễn ra vào các buổi chiều từ 7/4 đến 21/6.
“Khối lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018. Do đó, trường luôn coi trọng chất lượng giáo dục, chú trọng quá trình tích lũy kiến thức bền vững từ lớp 10 đến lớp 12; phân công các giáo viên có năng lực, kinh nghiệm đảm nhiệm giảng dạy theo sát ngay từ đầu cấp, có điều chỉnh phù hợp qua từng năm học”, ông Thuy nói.
Thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, các trường đã có sự chuyển hướng ôn tập theo hướng giảm tải, tăng hiệu quả. Thay vì tăng tiết, nhiều trường tập trung vào ôn tập theo chuyên đề, bám sát cấu trúc đề thi, giúp học sinh nắm chắc kiến thức trọng tâm và kỹ năng làm bài.
Trường THPT Bắc Đông Quan (huyện Đông Hưng) là một ví dụ điển hình. Hiệu trưởng Đặng Hoàng Kiếm khẳng định, nhà trường đã dừng toàn bộ dạy thêm có thu phí và tập trung vào ôn tập miễn phí cho học sinh cuối cấp theo nguyện vọng, đảm bảo 2 tiết/môn/tuần.
Ông Kiếm cho biết, tỉ lệ học sinh đăng ký ôn tập miễn phí rất cao. Cụ thể, trong số 624 học sinh lớp 12, chỉ có 6 em không đăng ký và đều có sự đồng thuận của phụ huynh.
Dù việc tổ chức lớp theo môn và số lượng đăng ký khác nhau gây ra một số khó khăn về thời khóa biểu, nhưng trường đã nỗ lực chọn đội ngũ giáo viên giỏi cho các lớp ôn tập này.
Để đảm bảo hiệu quả ôn tập, Trường THPT Bắc Đông Quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, các tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch ôn tập sát thực tế, phù hợp với từng bộ môn và trình độ học sinh. Giáo viên bộ môn tăng cường hướng dẫn tự học tại nhà thông qua các nhóm Zalo, tích cực tương tác và giải đáp thắc mắc cho học sinh. Bản thân các em học sinh cũng chủ động thành lập các nhóm học tập để cùng trao đổi, hỗ trợ nhau.
“Về chuyên môn, trường yêu cầu giáo viên bám sát đề thi minh họa, cô đọng nội dung, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng tương tác và giao nhiệm vụ cụ thể. Công tác kiểm tra, giám sát dạy và học được chú trọng để kịp thời điều chỉnh, tất cả vì mục tiêu chung là vì học sinh”, ông Kiếm chia sẻ.
Bám sát phương châm "học đến đâu chắc đến đấy", nhà trường phân chia học sinh thành các nhóm khác nhau và xây dựng lộ trình ôn tập tương ứng. Song song đó, giáo viên theo dõi sát sao kết quả kiểm tra của từng em để nhận diện đúng năng lực và điều chỉnh phương pháp ôn luyện một cách linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của kỳ thi.
Theo cô Trần Thị Tâm, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Ngữ văn là môn thi bắt buộc, nên ngay từ đầu năm, tổ đã xây dựng kế hoạch giảng dạy chính khóa và định hướng ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học.
Khi Thông tư 29 có hiệu lực, tổ đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch ôn tập theo hướng tinh gọn, trọng tâm, bám sát cấu trúc đề minh họa, chú trọng giao nhiệm vụ và rèn luyện khả năng tự học.
Do thời lượng ôn tập tại trường bị rút ngắn, phương pháp dạy học cũng được đổi mới. Ngoài việc tăng cường bài tập về nhà và việc chấm chữa chi tiết giúp học sinh rút kinh nghiệm hiệu quả. Tổ Ngữ văn còn thực hiện cá thể hóa việc dạy học, điều chỉnh phương pháp với từng đối tượng học sinh.
“Vệc sử dụng sổ nhật ký chấm, trả bài cá nhân, chỉ rõ điểm yếu theo từng kỹ năng, đã giúp học sinh nhận diện rõ hơn những điểm cần cải thiện. Sự dịch chuyển trong cách ôn luyện đang phát huy hiệu quả rõ rệt”, cô Tâm nói.
Cũng như hàng triệu học sinh khác trên cả nước, em Lê Thành Danh, học sinh lớp 12A6, Trường THPT Bắc Đông Quan đang nỗ lực ôn luyện. Em mong muốn đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2025.
Thành Danh cho biết, ngay từ đầu năm học, em đã đặt mục tiêu rõ ràng cho mình. Vì vậy em tận dụng tối đa thời gian học chính khóa để lĩnh hội kiến thức, tranh thủ hỏi và nhờ thầy cô giải đáp, hướng dẫn.
Buổi chiều, em tham gia các lớp ôn tập miễn phí do nhà trường tổ chức. Nhờ việc được xếp vào lớp có học lực đồng đều, em có cơ hội học các kiến thức nâng cao hơn. Ngoài ra, việc giảm thời lượng học buổi chiều cũng giúp em chủ động hơn trong việc sắp xếp thời gian tự học.
“Dự kiến em sẽ đăng ký xét tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội, vì vậy em quyết định đăng ký thi tốt nghiệp 2 môn tự chọn là Vật lí và Hóa để có thêm nền tảng kiến thức phục vụ cho ngành học sau này. Tại kỳ thi khảo sát chất lượng gần nhất, em đạt 27 điểm cho ba môn Toán, Lí, Hoá – một kết quả khá tốt. Tuy nhiên, em nhận thấy mình vẫn cần bổ sung thêm kiến thức nâng cao để hoàn thiện hơn”, Thành Danh chia sẻ.