Giáo dục

Trường học tổ chức học tập thích ứng Thông tư 29

18/02/2025 13:07

Nhiều trường học ở ĐBSCL xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện của đơn vị sau khi Thông tư 29 có hiệu lực.

Sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, hầu hết các trường học tại khu vực ĐBSCL đã ngưng hoạt động này, thực hiện đúng quy định của thông tư.

Đồng thời, các trường đã xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện của đơn vị, đảm bảo học sinh được tiếp thu đầy đủ kiến thức, đặc biệt là học sinh khối 12, nhằm chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Phụ huynh, học sinh lo lắng

Chị Nguyễn Tuyết Anh có con đang học lớp 9 tại một điểm trường trên địa bàn TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) cho biết, con chị học lực ở mức trung bình nên chị thường cho con tham gia học thêm trong trường, nay biết trường tạm dừng dạy thêm, học thêm chị khá lo lắng.

“Tôi nghĩ việc dạy thêm học thêm ở trường sẽ hiệu quả hơn ở ngoài bởi đầy đủ cơ sở vật chất, thầy cô cũng hiểu năng lực học tập của học sinh mình dạy ở mức nào.

Còn nếu cho con ra học thêm ở các trung tâm ngoài trường thì không biết dạy ra sao, chưa chắc đã phù hợp, với lại chi phí học ở ngoài đắt hơn, nếu học nhiều môn thì không có khả năng”, chị Tuyết Anh trần tình.

Cùng tâm trạng với chị Tuyết Anh, chị Trần Hoàng Cúc có con đang học lớp 12 tại một điểm trường trên địa bàn TP Cà Mau cũng khá lo lắng khi đã ở học kỳ 2, con chị sắp bước vào kỳ thi quan trọng nhưng việc dạy thêm, học thêm lại tạm ngưng.

“Thông tư 29 đưa ra nhằm ngăn chặn những vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm, phụ huynh rất đồng tình, nhưng nếu nhà trường không tổ chức dạy phụ đạo thì nhiều học sinh cũng sẽ thiệt thòi.

Tôi hy vọng trường sẽ sắp xếp hợp lý, phù hợp với tinh thần Thông tư 29 đưa ra để học sinh được truyền đạt, tiếp thu đầy đủ kiến thức, có khả năng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025”.

truong-hoc-to-chuc-hoc-tap-thich-ung-thong-tu-29-1.jpg
Nhiều học sinh cuối cấp lo lắng khi trường tạm ngưng dạy thêm học thêm.

Chia sẻ về việc nhà trường tạm ngưng dạy thêm, học thêm, Đoàn Võ Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) cho biết: Đây là năm rất đặc biệt đối với "thế hệ 2K7" (sinh năm 2007), lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 với dạng đề mới, kiến thức mở rộng thoát ly sách giáo khoa và gắn với thực tế nhiều.

Hiện tại đang là giai đoạn ôn thi tốt nghiệp, nếu nhà trường không dạy thêm sẽ rất dễ “đứt mạch” kiến thức (do trước đó nhà trường đã tổ chức ôn luyện từ đầu năm).

“Em hy vọng nhà trường sắp xếp chương trình dạy phụ đạo buổi chiều 2 tiết/tuần/môn theo Thông tư 29 quy định để chúng em tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn, để có thể vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sắp tới”, Tuấn Kiệt nói.

Giải pháp của các trường

Theo quy định mới, các trường đồng loạt ngưng hoạt động dạy thêm, học thêm. Trong khi phụ huynh và học sinh ở khu vực thành thị lo lắng phần nào về việc này, thì tại những vùng nông thôn, nơi chưa có hoặc rất ít các trung tâm dạy thêm, nỗi lo lại càng lớn hơn.

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) cho biết, việc dạy thêm, học thêm tại trường thời gian qua được phụ huynh rất tin tưởng do cơ sở vật chất được đầu tư bài bản, mức thu đối với học sinh tương đối thấp, trong khi trên địa bàn chưa có trung tâm đủ điều kiện dạy thêm đối với học sinh cấp THPT.

Tuy nhiên, thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã tạm ngưng dạy thêm, học thêm.

Đối với học sinh lớp 12, để các em không bị ảnh hưởng vấn đề học tập, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường đã vận động thầy cô tham gia dạy phụ đạomiễn phí cho các em 2 tiết/tuần/môn học.

"Nhà trường nói rõ, nếu được tỉnh cấp kinh phí thì sẽ trả cho giáo viên dạy ngoài giờ theo quy định, còn nếu tỉnh không cấp thì trường sẽ trả theo quy chế chi tiêu của trường (trong trường hợp trường có dư tiền).

Trường hợp không được cấp và không có dư tiền để chi cho hoạt động này thì giáo viên cũng vui vẻ dạy miễn phí, xem đó như trách nhiệm, hỗ trợ tốt nhất học sinh cuối cấp, nhằm giữ vững chất lượng giáo dục, thi đua hàng năm của trường.

Trên tinh thần khuyến khích, vận động, hiện tại giáo viên của trường đều đồng thuận, tự nguyện làm đơn xin dạy miễn phí", Hiệu trưởng nhà trường thông tin.

truong-hoc-to-chuc-hoc-tap-thich-ung-thong-tu-29-2.jpg
Một tiết học tại Trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Không riêng Trường THPT Đầm Dơi, nhiều trường khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu cũng đã vận động giáo viên dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh cuối cấp, đồng thời sắp xếp lại kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó đặc biệt ưu tiên cho học sinh khối 12.

Thầy Vũ Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Thành (TP Bạc Liêu), cho biết: Trong thời gian chờ được duyệt kinh phí hỗ trợ tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp từ UBND tỉnh, nhà trường đã xây dựng kế hoạch kéo giãn chương trình lớp 12 đến thời điểm thi, không kết thúc sớm chương trình.

Nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên nỗ lực truyền đạt kiến thức một cách hiệu quả, hỗ trợ giải đáp những vấn đề học sinh chưa rõ hoặc chưa hiểu. Đồng thời, giáo viên cần phân loại học sinh trong từng lớp để có phương pháp dạy phù hợp, đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, trường chú trọng bồi dưỡng phương pháp tự học, tư duy logic cho học sinh, giúp các em vận dụng kiến thức một cách sáng tạo, hạn chế việc ghi nhớ máy móc. Học sinh cũng được giao thêm bài tập về nhà và được định hướng ôn luyện online thông qua các trang web uy tín, nhằm nâng cao khả năng tự học tại nhà.

"Trong thời gian chờ ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện dạy thêm, học thêm từ UBND tỉnh, Sở đã ban hành Công văn về việc tăng cường thực hiện nhiệm vụ kế hoạch giáo dục năm học 2024-2025.

Theo đó, Sở yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, trường học trực thuộc chỉ đạo tổ/nhóm bộ môn điều chỉnh, xây dựng nội dung chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phù hợp với điều kiện của đơn vị, theo từng nhóm đối tượng học sinh; có kế hoạch hoàn thành các môn không thi tốt nghiệp THPT nhưng tuyệt đối không được cắt xén chương trình.

Ngoài ra, Sở cũng kêu gọi, vận động thầy cô giáo viên tâm huyết với học sinh phát huy thiên chức, thiên lương tất cả vì học sinh thân yêu của nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên trong dạy học ôn thi miễn phí cho học sinh”, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau thông tin.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-to-chuc-hoc-tap-thich-ung-thong-tu-29-post719912.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-to-chuc-hoc-tap-thich-ung-thong-tu-29-post719912.html
Bài liên quan
Thực hiện Thông tư 29, Yên Bái tổ chức ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp
Nhiều trường học tại Yên Bái nhanh chóng thích nghi với quy định mới, tổ chức các lớp ôn luyện miễn phí cho học sinh lớp 12, lớp 9.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học tổ chức học tập thích ứng Thông tư 29